Ngày 31/7, Bệnh viện Thể Thao Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo chấn thương thể thao khu vực châu Á Thái Bình Dương tổ chức Hội thảo “Những tiến bộ của thế giới trong phẫu thuật bệnh lý khớp vai” nhằm trao đổi về những ưu điểm, hạn chế những phương pháp phẫu thuật khớp vai trước đây và hiện nay để tìm ra phương pháp hiệu quả, có lợi nhất cho người bệnh.
Khổ vì khớp vai liên tục trật
Tại buổi hội thảo TS. BS Mark Chalmers Ferguson, Giám đốc Trung tâm Đào tạo chấn thương thể thao, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã tham vấn cho các bác sĩ Bệnh viện Thể thao Việt Nam mổ 2 ca trật khớp vai tái diễn nhiều lần. Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân nữ 23 tuổi bị trật khớp vai lần đầu 2015, sau thường xuyên trật khớp vai, trật ở rất nhiều tư thế khác nhau, tổn thương mất xương ổ chảo, mất xương đầu trên xương cánh tay. Việc phẫu thuật nội soi cố định rất khó khăn và phục hồi bao khớp tại nhiều vị trí.
Trường hợp thứ 2 là nam 27 tuổi đã bị trật nhiều năm và mỗi năm bị nhiều lần, trên phim chụp X-quang và MRI cho thấy sụn viền của ổ chảo bị bong ra, tổn thương mất xương sụn viền ổ chảo khớp vai. Đầu trên xương cánh tay, phần xương vỡ tại vị trí trước dưới ổ chảo khớp vai, can xương ở vị trí xấu làm chênh mặt khớp, khớp vai bị mất vững... Dù phẫu thuật rất thành công nhưng do bệnh lâu, mất xương nhiều nên tay bệnh nhân khó có thể hồi phục hoàn toàn.
Hội thảo về bệnh lý khớp vai tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam có sự tham gia của nhiều chuyên gia, bác sĩ. |
BSCKII Lê Thanh Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, TKV là bệnh hay gặp nhất ở người trẻ, khỏe từ 20 - 40 tuổi, chiếm tỷ lệ khoảng 60% tổng số ca trật khớp của cơ thể. Đa phần bệnh nhân kéo nắn và băng bất động, sau vài tuần vận động trở lại, chỉ đến khi trật tái phát nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống mới đi khám và ít người phẫu thuật. Tại bệnh viện mỗi năm phẫu thuật cho khoảng 100 ca. Đa phần là các ca bệnh ở giai đoạn mạn tính, tổn thương xương khớp nhiều, có nhiều bệnh nhân nặng đến mức ban đêm ngủ quên đưa tay lên đầu cũng bị trật, hay tệ hơn nữa là ngồi gác tay lên ghế cũng bị trật...
Nguyên nhân gây TKV có thể do ngã chống tay, chấn thương trong thể thao, do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, đánh nhau... Bệnh nhân bị TKV sẽ thấy đau không cử động được khớp vai và đau dữ dội khi cố vận động; Biến dạng ổ khớp bị tổn thương, nếu nặng sẽ mất hoàn toàn vận động khiến bệnh nhân không thể cử động được; Cánh tay không thể duỗi thẳng tự nhiên, thông thường bị dạng 30 – 40 độ xoay ra ngoài; Cơ bắp ở vai thường xuyên bị co thắt, đau đớn dữ dội; Khớp vai bị trật cũng thường bị tê yếu, ngứa ran xung quanh vùng chấn thương (cổ, dưới cánh tay)....Nhiều trường hợp TKV có kèm theo gãy xương bả vai, cổ xương cánh tay... liệt thần kinh cảm giác và vận động cánh tay...
Hỏng sụn và xương sau mỗi lần trật tái phát
TS.BS Mark Chalmers Ferguson cho biết, khớp vai là khớp lớn và có tầm vận động lớn nhất trong cơ thể, trong cả không gian ba chiều. Muốn thực hiện được chức năng này, khớp vai được giữ vững bằng các hệ thống xương khớp, bao khớp, dây chằng và gân cơ. Ở người trẻ tuổi, khi khớp vai bị trật vì các dây chằng bao khớp quá vững chắc, nên thành phần dễ bị tổn thương nhất sẽ là sụn viền ổ chảo và xương ổ chảo khớp vai. Sau khi được nắn lại, các thành phần này thể không về đúng vị trí bình thường của nó mà hay bị tụt sâu xuống dưới bờ của ổ chảo làm khớp vai mất đi sự vững chắc của bao khớp, trật tái phát thường kèm theo tổn thương xương ổ chảo, và chỏm xương cánh tay.
TS.BS Ferguson giải đáp thắc mắc của các bác sĩ tại hội thảo. |
Nghiên cứu cho thấy 90-95% bệnh nhân trật phía trước dưới, nếu mất xương ổ chảo và chỏm xương cánh tay thì tỷ lệ tái phát có thể lên tới 90%. Chính vì vậy, để tránh tình trạng tổn thương xương khớp gây tái phát TKV hiện nay khuyến cáo cần phát hiện và điều trị phẫu thuật ngay cho vận động viên bị trật khớp vai lần đầu và người dân ở lần 2 – 3. Việc phẫu thuật mổ nội soi ít xâm lấn khâu lại sụn viền, giúp sụn viền lành đúng vị trí giải phẫu, với tỷ lệ thành công rất cao, góp phần đảm bảo thành tích thi đấu thể thao cho vận động viện và chất lượng cuộc sống cho người dân.
BSCKI Lê Thanh Tùng cho biết, nội soi với vết mổ nhỏ, không hạn chế vận động vùng vai và hạn chế tối đa các biến chứng của mổ mở, sau 2 – 3 ngày bệnh nhân đã ra viện. Hơn nữa, tính tổng chi phí điều trị cho một ca nội soi rẻ hơn và hiệu quả hơn rất nhiều so với phương pháp cũ là nắn trật, bất động rồi chờ và lại tái phát.... Đặc biệt, việc bị trật quá nhiều lần sẽ làm hư sụn khớp vai dẫn đến thoái hóa khớp, gây đau và hạn chế sinh hoạt hằng ngày, giảm chất lượng cuộc sống. Điều trị lúc này rất khó khăn phức tạp, tốn kém, kết quả không được như mong muốn.