Phát hiện một siêu Trái Đất có tiềm năng cho sự sống

(khoahocdoisong.vn) - Vệ tinh khảo sát ngoại hành tinh bằng phương pháp quá cảnh (TESS) của NASA vừa phát hiện ra hành tinh đầu tiên có tiềm năng của sự sống bên ngoài Hệ Mặt Trời.

Phát hiện chấn động

Trong bài báo mới đăng trên Astrophysical Journal Letters, nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Lisa Kaltenegger - giáo sư thiên văn học và Giám đốc viện Carl Sagan thuộc Đại học Cornell (New York, Mỹ) - đã mô tả những điều kiện mà ở đó hành tinh này có thể cho phép sự sống tồn tại. Ngoại hành tinh này nặng hơn so với Trái Đất, vì thế Kaltenegger cho rằng khám phá này sẽ cung cấp một cái nhìn mới về những người anh em khối lượng lớn của chúng ta. Với khí quyển dày, hành tinh GJ 357d có thể giữ được nước lỏng trên bề mặt giống như Trái Đất và chúng ta có thể tìm ra những dấu hiệu của sự sống nhờ những kính thiên văn mới sẽ hoạt động trong thời gian tới.

Các nhà thiên văn học ở Viện Vật lý thiên văn quần đảo Canary và Đại học La Laguna (Tây Ban Nha) đã công bố việc phát hiện ra hệ hành tinh này vào ngày 31/7 vừa qua trên tạp chí Astronomy and Astrophysics. Họ đã cho thấy hệ hành tinh này là một hệ có sao mẹ là một sao lùn loại M có kích thước khoảng 1/3 Mặt Trời. Nó có 3 hành tinh mà một trong số đó nằm trong vùng sống được. Hành tinh đó có tên là GJ 357d. Hồi tháng 2, TESS đã quan sát thấy sự mờ đi của sao lùn GJ 357 theo chu kỳ 3,9 ngày - một bằng chứng về việc một hành tinh di chuyển qua phía trước nó (được gọi là hiện tượng quá cảnh). Hành tinh đó là GJ 357b - một “Trái Đất nóng” có kích thước khoảng 22% Trái Đất.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, tiếp tục các quan sát đo bằng những đài quan sát mặt đất, các nhà thiên văn học phát hiện ra thêm hai hành tinh nữa là GJ 357c và GJ 357d. GJ357c có khối lượng tối thiểu là 3,4 lần Trái Đất và nhiệt độ bề mặt khoảng 260 độ F (126,7 độ C) - một điều kiện hoàn toàn không phù hợp cho sự sống. Tuy nhiên, hành tinh ngoài cùng của hệ là GJ 357d có thể có những điều kiện tương tự như Trái Đất. Nó chuyển động trên quỹ đạo có chu kỳ 55,7 ngày quanh sao mẹ ở khoảng cách khoảng 20% khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời. Hành tinh này được phát hiện dựa trên hiệu ứng hấp dẫn rất nhỏ mà nó tác động lên ngôi sao của nó, hiện tại các nhà khoa học còn chưa xác định được liệu có thể quan sát được sự quá cảnh của nó hay không.

Chưa có dữ liệu chắc chắn

Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, ngoại hành tinh GJ 357d nêu trên chỉ mới đáp ứng yêu cầu về việc có thể có nước lỏng tồn tại trên bề mặt, cùng một số đặc điểm vật lý có thể cho phép sự sống tồn tại, không đồng nghĩa với việc nó chắc chắn có đủ các điều kiện khác cho sự sống, càng chưa nói lên điều gì về việc liệu sự sống có đang tồn tại ở đó hay không và con người có thể sống ở đó hay không.  Hành tinh này thuộc nhóm các "siêu Trái Đất". Thuật ngữ này thường gây hiểu nhầm, trên thực tế, siêu Trái Đất chỉ đơn giản là những hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái Đất nhưng nhỏ hơn các hành tinh khí khổng lồ của Hệ Mặt Trời, thường được qui ước là từ trên 1 cho tới 10 lần khối lượng Trái Đất.

Đây không phải lần đầu tiên giới thiên văn phát hiện hành tinh nơi sự sống có thể tồn tại. Trước đó, vào năm 2016, phát hiện về hành tinh Proxima b, cách hệ Mặt Trời khoảng 4 năm ánh sáng, cũng đã gây sự chú ý. Hai hành tinh Proxima b và GJ357d được phát hiện bằng phương pháp gọi là vận tốc xuyên tâm (radial velocity). Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định phương pháp này chưa đủ độ chính xác để khẳng định liệu hành tinh đó có thể là nơi con người sinh sống được hay không.

Năm 2017, NASA đã công bố việc họ phát hiện ra hệ 7 hành tinh "tương tự Trái Đất" quay quanh sao lùn trắng Trappist-1. Đây được xem là phát hiện chấn động vì các nhà khoa học chưa từng phát hiện được nhiều hành tinh tương tự Trái Đất đến thế chỉ trong một hệ hành tinh, cũng chưa từng thấy một vùng không gian nào mà nhiệt độ cực điểm không làm triệt tiêu sự sống như vậy. Hệ hành tinh Trappist-1 nằm cách Trái Đất 39 năm ánh sáng.

Theo Đời sống
back to top