Ô long vĩ chữa chậm tiêu

(khoahocdoisong.vn) - Ô long vĩ là bồ hóng, nên dùng thứ bồ hóng đốt bằng củi đọng lại các đồ vật gác lên bếp, không dùng thứ đốt bằng các loại khác như than đá, quả bàng

Hỏi: Tôi nghe có người mách, bồ hóng là một vị thuốc chữa bệnh. Xin hỏi cách dùng thế nào?

Hoàng Thị Lan (Phú Thọ)

DS Nguyễn Văn Hào (128 Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu): Ô long vĩ là bồ hóng, nên dùng thứ bồ hóng đốt bằng củi đọng lại các đồ vật gác lên bếp, không dùng thứ đốt bằng các loại khác như than đá, quả bàng. Khi lấy nên phẩy nhẹ bỏ bụi ngoài, lấy thứ vẩy đen đóng đặc ở trong. Cần phân biệt bồ hóng với nhọ nồi. Bồ hóng có mùi khó chịu và xốp nhẹ. Nhọ nồi (bách thảo sương) đen mịn, không có mùi. 

Ô long vĩ thường khai thác ở các bếp hay nấu ăn bằng bếp củi ở vùng làng quê. Bồ hóng có tác dụng chỉ huyết, tiêu tích, lợi thủy. Chủ trị thổ tả, tích thực, đau bụng, nôn mửa, chảy máu (răng, mũi) mụn nhọt, thịt thừa trong mũi, xuất huyết, phù thũng… Dùng ngoài trị lác, lở ghẻ, ung nhọt, bị loét, diệt chấy rận, nước bồ hóng còn dùng trị phỏng. Người ta dùng bồ hóng chủ trị đầy chậm tiêu (do thương tích). Bồ hóng lọc bỏ tạp chất, hoà với cơm cháy tán nhỏ luợng bằng nhau hoàn bằng đầu đũa, mỗi lần dùng 5 - 10 viên, ngày 3 lần.

Theo kinh nghiệm, dùng rây thưa loại bỏ tạp chất. Cho vào thùng tôn cứ 1kg đổ 8 - 10 lít nước thường, đánh đều, đun sôi, thấy bột nổi lên đến đâu thì vớt ra đổ vào một cái chậu có bịt vải, nước ở chậu lại đổ vào thùng để đun. Khi nào hết bọt thì bỏ xuống. Vừa quấy nhẹ vừa gạn lấy nước, bỏ cặn vì có lẫn tạp chất. Hơ trên lửa cho gần khô thì cho vào tủ sấy khô tán bột dùng. Làm như vậy, thứ bồ hóng đun củi 1kg được 700g bột, nếu đun bằng rạ chỉ được 300 - 400g bột. Phụ nữ có thai không dùng phương thuốc này.

Theo Đời sống
back to top