Nước hầm xương để qua đêm được không?
Nước hầm xương hoàn toàn có thể để qua đêm được nếu bạn áp dụng cách bảo quản nước hầm xương qua đêm đúng cách. Chúng ta thường đun sẵn nhiều nước hầm xương, nước luộc thịt để chế biến các món khác nhau và dự trữ cho ngày hôm sau để đỡ mất công chuẩn bị. Tuy nhiên, nếu không biết cách bảo quản nước dùng qua đêm, nước hầm sẽ dễ bị vi khuẩn xâm nhập và lâu dần sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đối với sức khỏe.
Nước hầm xương không được bảo quản đúng cách sẽ bị thiu hỏng và mất dinh dưỡng. Điều này đặc biệt gây hại cho sức khỏe người ăn, nhất là đối với trẻ nhỏ - có sức đề kháng còn yếu. Bởi vậy, tốt nhất là bạn nên thực hiện đúng cách bảo quản nước hầm xương để đảm bảo vẫn dùng được mà không phải bỏ đi lãng phí.
Nước hầm xương rất tốt, cách bảo quản qua đêm không mất giá trị dinh dưỡng. Ảnh minh họa |
Cách bảo quản nước hầm xương qua đêm
Nước hầm xương để qua đêm vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng tốt nếu bạn áp dụng các bước bảo quản như sau:
Sau khi ninh xương, đổ nước hầm xương qua rây để lọc cặn.
Để nguội nước dùng và hớt bỏ các váng ngấn mỡ nổi ở trên bề mặt (nếu muốn)
Chia nước dùng thành những phần nhỏ để trữ trong ngăn đông của tủ lạnh. Để lại một phần riêng lưu trữ ở ngăn mát nếu bạn muốn dùng ngay trong 1 vài ngày. (Nước hầm xương có thể bảo quản trong ngăn mát 5 ngày).
Khi sử dụng, đem nước hầm ướp đông lạnh ra, thêm nước sạch và cho vào lò vi sóng để rã đông. Hoặc bạn có thể chờ 1-2 tiếng cho nước dùng tan đá thì có thể dùng như thường.
Cách bảo quản nước hầm xương qua đêm theo phương pháp đông lạnh này được xem là cách bảo quản được lâu nhất. Bởi lẽ trong môi trường nhiệt độ này, vi khuẩn đã bị kìm hãm và quá trình biến chất cũng bị ngưng trệ. Hãy chú ý đậy nắp kín để che kín nước dùng khi bạn đặt nó vào ngăn đông đá.
Mẹo nấu nước hầm xương trong, dinh dưỡng
Để nấu nước hầm xương trong, dinh dưỡng, thơm ngon nhất, bạn nên tham khảo theo những bí quyết trong từng bước sau:
Chọn xương
Các loại xương lợn thì xương ống tạo ra nước dùng ngon nhất, nhưng lại đòi hỏi thời gian hầm lâu nhất, thường được ưa chuộng trong các món như bún, phở, hủ tiếu, lẩu, và canh (đặc biệt là khi nấu cho nhiều người ăn).
Còn đối với bữa ăn gia đình thì xương sườn, sườn non và móng giò thường là sự lựa chọn hợp lý hơn về mặt dinh dưỡng, mang lại hương vị ngọt ngào cho nước dùng và có thời gian chế biến nhanh hơn. Vì vậy, tùy vào hoàn cảnh, sở thích mà bạn có thể lựa chọn loại xương phù hợp.
Sơ chế
Sau khi mua xương về, đầu tiên bạn hãy rửa sạch. Đối với xương ống, bạn có thể chặt đôi để tủy xương hầm ra nước ngọt hơn. Đối với xương sườn và móng giò, hãy chặt thành miếng vừa ăn. Tiếp đến, hòa nước với một thìa muối và khuấy tan trong bát lớn, sau đó đặt xương vào để nước ngập xương, ngâm trong khoảng 30 phút, và sau đó vớt ra rửa lại bằng nước sạch.
Lưu ý rằng việc thêm muối vào nước ngâm là quan trọng, vì nếu chỉ ngâm trong nước, xương có thể mất chất và nước ninh sẽ mất đi vị ngọt. Nước muối giúp loại bỏ máu thừa từ xương, làm cho nước hầm sau này trong hơn mà không mất đi hương vị.
Hầm xương
Đối với mọi loại xương lợn hay bò, phương pháp hiệu quả nhất để loại bỏ mùi hôi là chần qua nước sôi. Đơn giản là đổ nước vào nồi, đặt lên bếp để đun sôi, sau đó thả xương vào. Khi nước sôi lại và có bọt, tắt bếp, vớt xương ra và rửa sạch dưới vòi nước. Tiếp theo, cho xương vào nồi nước mới để tiếp tục quá trình ninh.
Khi ninh xương, hãy cho xương và một lượng nước vừa ngập bề mặt xương vào nồi, nấu với lửa lớn. Tránh việc thêm muối ngay từ đầu, để giữ được độ ngọt tự nhiên của xương. Bạn có thể bổ sung vài lát gừng, ít hành lá, quế, hoa hồi vào để nước xương trở nên thêm phong phú về hương vị và giúp khử mùi hôi. Khi nước sôi, hạ lửa, đồng thời chú ý vớt bọt thường xuyên. Ninh trong khoảng 1-2 giờ và bạn sẽ có một nồi nước dùng thơm ngon và hấp dẫn.
Mách bạn thêm một mẹo nhỏ để hầm xương nhanh chín và nước có vị ngọt tự nhiên là hãy thêm một củ hành tím đã nướng qua vào nồi nước hầm. Nếu muốn xương nhanh nhừ, có thể bổ sung nửa quả đu đủ vào nồi, điều này cũng giúp nước hầm có hương vị ngọt thanh hơn.