Chị Nguyễn Thị H. (40 tuổi, Hà Nội), phải nhập viện cấp cứu vì khó thở, mệt mỏi, tức ngực, buồn nôn... Nguyên nhân là do chị bị suy thận phải lọc máu, nhưng thấy trời nắng nóng nên chị đã tích cực uống các loại nước ép trái cây làm mát khiến kali máu tăng cao.
Lời bàn: Lương y Hoài Vũ, Hội Đông y Việt Nam cho biết, sự khác biệt giữa nước trái cây và nước ép trái cây cùng loại nằm ở lớp vỏ và phần xác từ thịt trái cây sau khi ép. Có nhiều chất quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe, chống lại bệnh tật và cung cấp dưỡng chất có nhiều trong lớp vỏ và thịt của trái cây như: carotenoid và flavonoid sẽ không có trong nước ép. Hơn nữa, nhiều hợp chất: polyphenol, resveratrol và quecretin… có khả năng chống oxy hóa, chống ung thư và kháng viêm thì trong nước ép lại ít có các hợp chất này.
Đặc biệt, ở nước ép sẽ mất đi chất xơ và các dinh dưỡng giúp tiêu hóa tốt, ổn định đường huyết và mỡ máu… Đối với một số bệnh, phải kiêng một số loại nước ép trái cây trong điều trị. Chẳng hạn, khi bị viêm hoặc loét dạ dày, tá tràng, viêm tụy không nên uống nước ép trái cây có vị chua như cam, chanh, dâu… sẽ làm cho các bệnh này lâu khỏi; Bệnh nhân đái tháo đường không uống nước ép có chỉ số đường cao như: dưa hấu, nho… sẽ làm tăng đường huyết; Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn nặng không nên uống nước ép trái cây thường xuyên vì có thể gây tăng kali máu, nhất là các loại trái cây giàu kali như chuối, nho, cam…