Nữ bệnh nhân lần đầu có giấc ngủ ngon sau 14 năm đau đầu, ù tai

Bệnh lý hẹp xoang tĩnh mạch nội sọ ít được biết đến, việc hẹp này gây nên hai hậu quả là tăng tốc độ dòng chảy qua chỗ hẹp và ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch trong não. Bệnh gây đau đầu, ù tai, nhìn mờ và đột quỵ...

Bệnh nhân nữ, 50 tuổi hơn 10 năm qua đã đi khắp mọi bệnh viện để khám căn bệnh ù tai của mình. Sau lần sinh con thứ 2, chị thấy tai bên phải có tiếng thổi ù ù theo nhịp nhưng không để ý đến, lúc đầu chỉ ban đêm khi đi ngủ mới nghe thấy, dần dần tiếng thổi trở nên rõ ràng hơn và nghe rõ cả ngày lẫn đêm.

Hình ảnh hẹp xoang tĩnh mạch trên phim chụp - Ảnh BSCC

Hình ảnh hẹp xoang tĩnh mạch trên phim chụp - Ảnh BSCC

Hành trình đi khám của chị bắt đầu. Càng đi khám ở các bệnh viện khác nhau tiếng thổi càng to hơn và kèm theo các cơn đau đầu cứ tăng dần. Gia đình có điều kiện nên viện nào chị cũng đi khám, phim chụp và giấy tờ khám của chị được chất thành một chồng cao nhưng triệu chứng thì cứ nặng dần làm chị trở nên lo lắng, trầm cảm.

Thuốc ngủ và thuốc chống trầm cảm là thứ được dùng hàng ngày. Rồi chị nghỉ hoàn toàn công việc vì mọi thời gian trong ngày bị các căn bệnh trong đầu hành hạ.

Tại Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội), các bác sĩ đã tiến hành đặt stent thông mạch não giúp bệnh nhân thoát khỏi căn bệnh “quái ác” này.

Có những lưu ý để chẩn đoán căn bệnh ù tai do hẹp xoang tĩnh mạch bên:

- Ù tai cố định một bên liên tục, tăng lên khi suy nghĩ căng thẳng và hoạt động trí óc

- Mất đi khi dùng tay ép vào tĩnh mạch cảnh cùng bên

- Chẩn đoán xác định dựa vào CTA và MRI (chứ không phải DSA): Phim chụp CT có tiêm thuốc thấy hẹp xoang tĩnh mạch ngang bên phải (hình 2). Vị trí hẹp mạch này có tốc độ dòng chảy cao hiện hình trên xung TOF3D của MRI (hình 3).

- Bằng việc đo chênh áp trước và sau khi đặt stent mà khẳng định được việc đặt stent là hiệu quả hay không trên hình ảnh.

- Ngay khi mở stent thì BN không còn nghe thấy tiếng thổi là khẳng định việc đặt stent xoang bên là đúng đắn.

Bệnh lý hẹp xoang tĩnh mạch nội sọ ít được biết đến, việc hẹp này gây nên hai hậu quả là tăng tốc độ dòng chảy qua chỗ hẹp và ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch trong não. Hai hậu quả này sẽ gây nên đau đầu, ù tai (nếu là hẹp xoang bên), nhìn mờ dần (do hậu quả phù gai thị tăng áp lực nội sọ kéo dài)… và nhiều dấu hiệu khác. Chứng tỏ, rất nhiều biểu hiện khá thông thường của Nội thần kinh, Mắt, Tai mũi họng bắt nguồn từ một nguyên nhân hiếm gặp và ít được biết đến.

TS.BS Nguyễn Ngọc Cương (Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)

Theo Đời sống
back to top