Khung đề xuất lên đến 100.000đồng
Theo giải thích của Sở GTVT, phương án này mang lại hiệu quả giảm ùn tắc giao thông. Qua nghiên cứu, đánh giá, khi thực hiện thu phí sẽ giảm khoảng 20% lưu lượng giao thông đi vào khu vực thu phí, từ đó giảm ùn tắc giao thông.
Về thu ngân sách, với mức phí thu 50.000 đồng, Sở GTVT cho rằng chỉ đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý vận hành, chưa có nguồn thu ngân sách.
Với mức phí thu 100.000, đồng thì sẽ có nguồn thu về ngân sách hàng năm khoảng 300 tỷ đồng.
Qua đó, khuyến khích người tham gia giao thông sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời sẽ giảm ô nhiễm môi trường tương ứng với lượng xe không vào khu vực thu phí. Hướng tới xây dựng văn hóa giao thông.
Sở GTVT đề xuất vành đai thu phí giới hạn bởi các đường: Vành đai 3- Cầu Thanh trì – Pháp vân – Mai Dịch – Phạm Văn Đồng – trục Tây Thăng Long – Võ Chí Công – Cầu Nhật Tân – Hoàng Sa – Trường Sa – Lý Sơn – Nguyễn Văn Linh – Vành đai 3, với chu vi vùng thu phí khoảng 51 km, diện tích khoảng 150 km2.
Các cổng thu phí được bố trí bên trong vành đai thu phí, tổng cộng 68 vị trí thu phí với 87 cổng thu phí.
Mức cụ thể sẽ xác định lúc lập dự án
Sở GTVT cho biết, trường hợp thứ nhất nếu xác định mức thu phí tối thiểu để bù đắp chi phí đầu tư và quản lý vận hành các trạm thu phí thì theo kết quả nghiên cứu Đề án để đầu tư đồng bộ 87 trạm thu phí với tổng mức đầu tư 2.513,4 tỷ đồng.
Dự kiến vòng đời dự án đầu tư, quản lý vận hành thu phí là 10 năm – Chi phí đầu tư tính cho 1 năm là 251,34 tỷ đồng. Theo kinh nghiệm về quản lý vận hành trạm thu phí, kinh phí quản lý vận hành thường bằng 30-50% kinh phí đầu tư. Nếu lấy mức chi phí quản lý vận hành bằng 40% chi phí đầu tư thì chi phí quản lý vận hành trong 1 năm là 100,536 tỷ đồng.
Như vậy tổng đầu tư và mức chi phí quản lý trong 1 năm là: 351,876 tỷ đồng (= 251,34 tỷ đồng+100,536 tỷ đồng).
Mà số lượng phương tiện dự kiến đi vào khu vực trung tâm (khu vực thu phí qua 87 trạm) trong 1 năm 11.713.636 lượt phương tiện.
Theo kinh nghiệm tham khảo các nước đã bố trí trạm thu phí, thì số xe lựa chọn vòng tránh để không phải nộp phí sẽ khoảng 12% đến 18%.
Đối với thành phố Hà Nội dự kiến số lượng xe này sẽ khoảng 20% bao gồm các xe lựa chọn các tuyến đường không đi vào trạm thu phí, và các phương tiện sẽ chuyển từ phương tiện giao thông cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng khoảng 20%.
Như vậy, Sở GTVT cho rằng, để đảm bảo đủ bù đắp chi phí đầu tư và chi phí quản lý thu phí thì mức thu phí tối thiểu sẽ là: tổng mức chi phí và quản lý thu phí trong 1 năm/Số lượng xe phải nộp phí: 351,876 tỷ đồng/7.028.146 lượt xe = 50.067đ/lượt xe (làm tròn 50.000đ/ lượt xe).
Còn trường hợp muốn để đảm bảo mức thu phí đủ để tác động điều tiết giao thông và lựa chọn tuyến đường Sở Giao thông vận tải Hà Nội giải thích.
Theo quyết định số 44/2017/QĐ-UBND ngày 15/12/2017 của UBND Thành phố Hà Nội về việc quy định về giá dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, xe ô tô trên địa bàn thành phố Hà Nội thì giá giá trông giữ xe ô tô trong 60 phút (Xe đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống) khu vực trung tâm thành Hà Nội là 30.000đ/lượt;
Trên cơ sở xác định về giá trông giữ phương tiện xe ô tô trong khu vực trung tâm Hà Nội, người đi xe cá nhân trả phí trông giữ xe ô tô từ 50.000 đến 100.000 cho một lần đỗ xe.
Thu phí xe cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố để giảm ùn tắc giao thông là một biện pháp kinh tế cần thiết nhằm tác động thay đổi hành vi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện giao thông góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Vì vậy, để có thể điều chỉnh hành vi của người điều khiển phương tiện khi lựa chọn tuyến đường giữa đi vào khu vực thu phí và không đi vào khu vực thu phí, ít nhất phải ở mức 100.000 đồng trở lên.
“Như vậy chúng ta có thể xác định mức phí theo nguyên tắc thứ 2 là 100.000 đồng/1 lần/xe” – Sở GTVT nêu rõ.
Sở GTVT cho biết, mức phí cụ thể sẽ được xác định trong quá trình lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống trạm thu phí và xây dựng phương án thu phí trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
Mức phí cụ thể và chính sách miễn giảm cho một số đối tượng sẽ được xác định trong phương án tài chính của dự án sẽ được trình HĐND thành phố xem xét quyết định cụ thể tại thời điểm trước khi đưa dự án thu phí vào thực hiện.