Kỹ thuật khó, nhiều người liệt
Sau 40 phút trên bàn phẫu thuật trở về buồng bệnh, anh Lê Văn Thành (31 tuổi, Hải Dương) tỉnh táo hoàn toàn, giơ thẳng hai tay lên trước mặt. BN cho biết, anh bị đau vai gáy hơn 1 năm nay, tưởng do công việc mệt mỏi, ngồi lâu, uống thuốc đỡ nhưng 2 tháng nay tay phải không nhấc lên được. Anh đi kiểm tra chụp cộng hưởng từ phát hiện thoái hóa cột sống cổ kèm TVĐĐ. Trong khi mổ anh phối hợp cử động, nói chuyện cùng BS trong mọi thao tác để tránh tai biến về thần kinh. Anh rất vui vì sau mổ đỡ đau và tay phải đã giơ lên được.
Bệnh nhân bình phục nhanh sau ca mổ
TS Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống Bệnh viện Việt Đức cho biết, TVĐĐ là căn bệnh rất phổ biến, chiếm khoảng 30% dân số, hay gặp ở lứa tuổi lao động từ 20 – 55 tuổi nhưng nhiều trường hợp 15 – 17 tuổi đã phải điều trị. Hiện tại ở khoa đã có gần 200 BN sếp hàng chờ phẫu thuật. TVĐĐ xảy ra khi nhân keo của đĩa đệm thoát ra ngoài khỏi vị trí bình thường giữa các đốt sống và chèn ép vào rễ thần kinh, tủy sống. Ở cổ gây đau vùng gáy, vai, đau, tê, mất cảm giác từng vùng ở tay, thậm chí liệt tay. Ở lưng gây đau lưng, mông, chân, bàn chân và liệt chân…
Mổ nội soi TVĐĐ cột sống lưng đã được triển khai thường quy nhiều năm với hàng nghìn ca bệnh, nhưng cột sống cổ mới chỉ thực hiện cách đây 1 năm với lối mổ sau cho BN TVĐĐ trong lỗ liên hợp, trong khi nhiều người bị TVĐĐ trung tâm, cạnh bên chưa được giải quyết. Phương pháp nội soi đường trước mới này sẽ giúp cứu chữa nhiều BN.
Nội soi TVĐĐ cột sống cổ là một kỹ thuật vô cùng khó. Bởi cổ là một tổ chức lỏng lẻo bao gồm nhiều mạch máu lớn, các dây thần kinh, khí quản, thực quản… khi phẫu thuật nội soi đường trước rất dễ chạm vào động mạch cảnh – động mạch cung cấp máu nuôi não – gây chảy máu khó cầm; chạm vào khí quản, phế quản máu tụ chèn ép khí quản gây suy hô hấp và tử vong. Chính vì vậy, kỹ thuật này mới được thực hiện rất ít ở các nước nền khoa học kỹ thuật phát triển như Đức, Mỹ, ở Châu Á thì có Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Kỹ thuật cao chỉ định nghiêm ngặt
TS Sơn chia sẻ, trước đây, BN TVĐĐ cột sống cổ thường phải mổ mở với vết mổ lớn, phải thay đĩa đệm nhân tạo và phải làm nẹp vít hoặc ghép xương đóng cứng 2 đốt cột sống. Phương này có nhiều biến chứng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân: chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, rò rỉ dịch não tủy do rách màng cứng và việc cột sống bị đóng cứng sau vài năm sẽ bị thoái hóa ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong khi nội soi mới này chỉ với đường rạch 1cm từ cổ để đưa ống trocar vào lấy đĩa đệm hỏng không làm tổn thương cơ, xương, mạch máu…
Ca phẫu thuật nội soi TVĐĐ lối cổ trước tại BV Việt Đức
PGS.TS Nguyễn Văn Thạch, Nguyên Viên trưởng Viện chấn thương chỉnh hình BV Việt Đức nhấn mạnh, nội soi lấy TVĐĐ cột sống cổ theo đường trước là một phương pháp ít xâm lấn nên có ưu điểm của tất cả các phương ít xâm lấn: BN hồi phục nhanh (sau 3 -4 giờ có thể xuất viện) trở lại cuộc sống lao động bình thường (sau 7-10 ngày).
Đặc biệt, phương pháp ứng dụng kỹ thuật cao nên rất an toàn. BN chỉ phải gây tê tại chỗ, biết và phối hợp với mọi thao tác của BS phẫu thuật; BS phẫu thuật quan sát rõ nét các rễ thần kinh của tủy sống trực tiếp trên màn hình tăng sáng nên đảm bảo an toàn cho dễ thần kinh. Hơn nữa, ống nội soi được đưa vào đúng lỗ thoát vị bị hỏng và được lấy ra, bảo tồn được toàn bộ thần kinh, cột sống nên mổ xong mọi chức năng của BN đều bình thường.
Theo TS Sơn, phương pháp này khi làm chủ kỹ thuật thì có tỷ lệ thành công hơn 90% và tỷ lệ tai biến chỉ khoảng 1%. Tuy nhiên, chỉ định của phương pháp rất nghiêm ngặt: Khối thoát vị nằm ở trung tâm gần bên; khối thoát vị phải mềm nếu bị canxi hóa thì không lấy được; đĩa đệm chiều cao phải còn, xẹp quá hoặc trong đốt sống cũng không mổ được.
Vì vậy, khi BN thấy có biểu hiện đau đầu vai, gáy + tê tay thì nên đi khám và điều trị sớm. Nếu điều trị nội khoa bảo tồn 6 tuần không đỡ sẽ được chỉ định phẫu thuật. Tránh tình trạng để lâu, khó điều trị gây nguy hiểm.
Thúy Nga