Nối mi có an toàn cho mắt?

Chạy theo nhu cầu làm đẹp, nhiều người cố kéo dài lông mi để có đôi mắt quyến rũ. Phương thức tăng thẩm mỹ này có thể là an toàn nếu người áp dụng nó thực sự cẩn trọng.

Những chiếc lông mi dài bất thường, có khúc nối giữa phần lông tự nhiên và phần nối dài nhân tạo; keo dán khiến lông mi bám nhiều chất bẩn, gây ngứa, cộm, không tốt cho mắt.

Có 3 cách để nối dài lông mi: Dùng vật liệu tổng hợp, dùng chỉ lụa và lông chồn. Các vật liệu trên khác nhau về kích cỡ và hình dạng. Nối dài mi thường được tiến hành ở các tiệm làm đẹp, dùng các nhíp chuyên dụng và keo dán loại không vĩnh cửu. Thường mỗi lần làm đẹp mất khoảng 2 giờ, mắt của chúng ta phải nhắm kín suốt quá trình làm đẹp. Lông mi giả có tuổi thọ khoảng 3-4 tuần, sẽ rụng đi cùng với lông mi thật.

Để mắt được an toàn, lông mi phải được thao tác bởi những kỹ thuật viên đã được đào tạo trong điều kiện vệ sinh sạch sẽ, với các hóa chất an toàn cho da. Quy trình làm đẹp này luôn đi kèm với nguy cơ chấn thương và nhiễm trùng, dị ứng với keo dán, rụng lông mi tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Nguồn gây nhiễm bệnh cho mắt có thể đến từ vệ sinh kém ở các tiệm làm đẹp, hàng rào bảo vệ mắt tự nhiên bị phá bỏ khi thao tác làm đẹp. Cần đặc biệt lưu ý là nhiều vật sắc nhọn ở rất gần mắt khi chúng ta tiến hành làm đẹp kiểu này. Các thành phần trong keo dán cũng có thể gây dị ứng.

Thực tế đã có một vài loại keo có chứa formaldehyde gây dị ứng. Phản ứng dị ứng có thể gây ra đau, ngứa, đỏ và sưng nề tại chỗ, cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc nhìn nhất thời. Nối lông mi và keo dán hiện tại vẫn chưa được Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cho phép sử dụng.

Khi mi được nối, việc gãi, giật hay kéo có thể làm đứt gãy lông mi tự nhiên, thậm chí làm tổn hại nang lông. Cho dù là hiếm gặp nhưng nối dài lông mi có thể  dẫn tớí các sợi lông mi bị chôn lấp dưới  lớp bề mặt nhãn cầu, có thể phải phẫu thuật để lấy bỏ.

Bs Hoàng Cương-Bệnh viện Mắt TƯ

Theo Đời sống
back to top