Những sai lầm khiến người trẻ đột quỵ mất cơ hội hồi phục

(khoahocdoisong.vn) - 10% số bệnh nhân đột quỵ là người trẻ từ 18-44 tuổi. Điều đáng tiếc là những ca đột quỵ ở người trẻ thường đến viện muộn, mất đi cơ hội vàng để phục hồi.

Chuyện dở khóc dở cười cấp cứu người tai biến

Sáng ngủ dậy chị Nguyễn Thị T. (27 tuổi, Hà Nội) đang chuẩn bị đi làm thì đột ngột thấy đau đầu, chóng mặt. Chồng chị nghĩ do mấy hôm chị vất vả nên xin phép cho chị nghỉ ở nhà. Buổi trưa về thấy vợ ngủ, thương vợ anh cũng không đánh thức. Cơm nước xong anh mới gọi vợ dậy, thấy chị không đáp, anh vội gọi xe cấp cứu đưa vợ vào viện thì đã không cứu chữa được nữa bởi chị bị đột quỵ do phình vỡ động mạch não. 

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tuy mới có quyết định thành lập và đi vào hoạt động được 20 ngày nhưng Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 750 ca bệnh nhân đột quỵ. Đáng báo động là trong số đó có 60 người có độ tuổi từ 18 – 44, chiếm tỷ lệ xấp xỉ 10%. Điều đáng tiếc là những ca đột quỵ ở người trẻ thường đến viện muộn, mất đi cơ hội vàng để phục hồi.

Bệnh nhân trẻ đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân trẻ đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai.

Nguyên nhân là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Hơn nữa, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não. Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút... Sau đó khả năng vận động có thể sớm trở lại, điều này khiến người bệnh chủ quan.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong đời bác sĩ của ông đã chứng kiến nhiều chuyện dở khóc dở cười khi người nhà cấp cứu người tai biến. Nào là đánh cảm đỏ hết nửa người bị liệt, tát cho tỉnh lại đến sưng cả tay, chườm lạnh để hạ hỏa, chích nặn máu ngón tay tím bầm... Họ còn tìm mọi cách nhét viên An Cung... vào miệng bệnh nhân. Hành động ấy cho dù xuất phát từ tình yêu thương nhưng lại là yếu tố khiến bệnh tăng nặng.

Cần kiểm soát huyết áp và mỡ máu

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, tai biến mạch máu não hay đột quỵ não gây ra bởi tình trạng thiếu máu nhu mô hoặc chảy máu trong não. Đây là nguyên nhân tàn phế hàng đầu thế giới và là nguyên nhân thứ ba gây tử vong ở Việt Nam. Khác với người lớn tuổi, đột quỵ thường do tình trạng xơ vữa, hẹp mạch máu não hoặc tăng huyết áp, đột quỵ ở người trẻ thường xảy ra đột ngột và có căn nguyên khác biệt. Cụ thể như dị dạng mạch máu não - là các bất thường về giải phẫu của mạch máu não - như phình động mạch não, thông động tĩnh mạch, u mạch, bệnh Moya moya; các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, bệnh van tim gây hình thành huyết khối trong các buồng tim, bệnh lý về đông máu; các bệnh lý tăng đông mắc phải hoặc bệnh nhân có gene gây tình trạng tăng đông máu.

PGS.TS Mai Duy Tôn cho biết, có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ: Bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… Theo số liệu của Hội Tim mạch Việt Nam thì cứ 4 người từ 25 - 49 tuổi thì có một người tăng huyết áp và đây là nguyên nhân chính gây nên đột quỵ ở người trẻ...

Vì vậy, để phòng tránh nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi, cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Những người trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ.

Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (đó là trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót). Vì vậy, khi có dấu hiệu đột quỵ: Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân; Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội... ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top