Không nên sử dụng trứng gà thường xuyên.
Người mỡ máu cao: Với người mỡ máu cao, để giảm cholesterol, chế độ ăn nên thực hiện theo nguyên tắc giảm tổng năng lượng ăn vào trong ngày. Lòng đỏ trứng có nhiều cholesterol nhưng lại có nhiều lecithin là một chất điều hoà chuyển hoá cholesterol trong cơ thể. Do đó, ở những người có cholesterol máu cao, không nhất thiết kiêng hẳn trứng mà chỉ nên ăn trứng 1 – 2 lần/tuần.
Người thừa cân, béo phì: Để giảm cân theo chỉ số khối cơ thể, người thừa cân, béo phì cần giảm lượng chất béo (lipit) trong chế độ ăn. Theo đó, chất béo chỉ nên chiếm 15 – 20% tổng năng lượng cung cấp cho cơ thể. Người thừa cân, béo phì một tuần không nên ăn quá 2 quả trứng/tuần.
Người mắc bệnh thận: Khi bị viêm thận, chức năng trao đổi chất của cơ thể giảm mạnh, lượng nước tiểu cũng giảm khiến thận không loại bỏ hết các độc tố ra khỏi cơ thể. Ăn trứng nhiều có thể làm lượng urê trong cơ thể tăng nhanh, từ đó, làm tình trạng viêm thận trở nên trầm trọng, thậm chí là gây nhiễm độc đường tiết niệu. Vì vậy, người mắc bệnh thận cũng chỉ nên ăn không quá 2 quả trứng/tuần.
Người có cơ địa dị ứng: Trứng thực phẩm có thể gây dị ứng thức ăn ở trẻ nhỏ, khoảng 1,5% các trẻ dị ứng với trứng gà. Phần lớn các protein gây dị ứng nằm trong lòng trắng, trong khi protein lòng đỏ ít gây dị ứng hơn. Vì vậy, nếu cơ địa dị ứng với trứng, nên tránh món này để không ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Người có sức khỏe bình thường, nên ăn mấy quả trứng?: Người trưởng thành, có sức khoẻ bình thường một tuần nên ăn từ 4 – 5 quả trứng. Trẻ 6 – 7 tháng tuổi chỉ nên ăn một nửa lòng trứng gà mỗi bữa, ăn 2 – 3 lần mỗi tuần. Trẻ 8 – 12 tháng tuổi ăn một lòng đỏ mỗi bữa, ăn 3 – 4 bữa trứng một tuần. Trẻ 1 – 2 tuổi nên ăn 3 – 4 quả trứng một tuần, ăn cả lòng trắng. Trẻ từ 2 tuổi trở lên nếu thích trứng có thể cho ăn mỗi quả một ngày.
Ăn trứng thế nào để đảm bảo dinh dưỡng?: Theo các chuyên gia, mọi người không nên ăn trứng gà sống hay hòa tan trứng sống trong cháo nóng, canh nóng mà nên luộc hoặc nấu chín để phòng nhiễm khuẩn… Bởi vì đường sinh dục của gà có rất nhiều vi khuẩn nên cả trong và ngoài trứng gà đều có thể nhiễm khuẩn, đặc biệt là salmonella – một yếu tố gây ngộ độc thức ăn.
Đối với món trứng rán hoặc trừng ốp thì nên để lửa nhỏ, thời gian lâu một chút cho lòng đỏ vừa chín là tốt. Lửa to dễ khiến bên ngoài cháy, bên trong chưa chín. Lúc đó, lòng trắng trứng bị cháy sẽ khó hấp thu, lại tiêu hủy các vitamin tan trong nước như vitamin B1, B2.
Diệu Thu
(theo Dân Việt)