Những món ăn bổ máu từ cải bó xôi

Cải bó xôi còn gọi rau chân vịt, là loại rau rất giàu dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất: vitamin B, C, caroten… Nhờ đó, có thể chế biến những món ăn bổ máu từ cải bó xôi.

Cải bó xôi còn gọi rau chân vịt, là loại rau rất giàu dinh dưỡng, các vitamin và khoáng chất: vitamin B, C, caroten, B9, B12, natri, kali, đặc biệt giàu canxi, photpho, magnesi, sulfur, mangan, kẽm, sắt, đồng, iod, nicken… và các hoạt chất spiacin, arginin, lysin clorophil, chất nhầy…

Theo Đông y, cải bó xôi tính ngọt, mát, không độc, có tính năng bổ ngũ tạng, thanh nhiệt trường vị, giải độc rượu, làm mắt sáng, chữa quáng gà, đẩy nhanh sự phát dục bình thường của trẻ em, phòng chống các chứng lở môi, lưỡi, miệng, viêm bao tinh hoàn, trĩ, lở loét ở người đái tháo đường. Đặc biệt công dụng bổ âm huyết, chống chảy máu, thanh nhiệt tiêu độc.

Cải bó xôi có nhiều tác dụng

Chữa thiếu máu, khí huyết hư, suy nhược:

Bài 1: cải bó xôi lượng tùy ý, luộc hoặc nhúng nước sôi xong đem nấu canh với thịt lợn nạc, hoặc gan lợn, hoặc trứng gà…

Bài 2: cải bó xôi 700g, nhân sâm 5g, thịt lợn 500g, bột mì 3kg, gừng tươi hành hạt tiêu, xì dầu, muối vừa đủ. Giã nát lá rau bó xôi, thêm ít nước đánh ép lấy nước để sẵn. Nhân sâm tán bột rây mịn. Thịt lợn băm vụn tra muối, xì dầu, bột hạt tiêu, bột gừng trộn đều, hòa ít nước khuấy thành hồ, cho hành, nhân sâm, trộn đều làm nhân bánh. Đổ nước cải bó xôi vào bột mì nhào kỹ, nắm bột với nhân bánh. Luộc chín bánh. Món này còn có tác dụng tăng cường chức năng tình dục.

Chữa thiếu máu, mất máu, trĩ táo bón, ngứa: tiết lợn 250g luộc chín kỹ, thái lát rồi cho lại vào nước luộc cùng cải bó xôi (khoảng 500g rau) nấu thành canh, nêm gia vị.

Bổ âm, dưỡng huyết, chỉ huyết, trị tăng huyết áp:

Bài 1: cải bó xôi 300g, gừng 15g, hành 10g, xì dầu 10g, dầu vừng 10g, tỏi 5g, muối vừa đủ. Tỏi, gừng giã nhuyễn vắt lấy nước, hành tỉa hoa, cải bó xôi nhúng nước sôi vắt ráo nước. Cho tất cả vào trộn đều. Ngày ăn 2 lần với cơm.

Bài 2: cải bó xôi lượng tùy ý, rửa sạch bỏ vào nước sôi 2-3 phút, quấy lên vớt ra. Sứa biển rửa sạch thái nhỏ nhúng qua nước sôi. Cho hai thứ trên vào dầu vừng, ít muối, gia vị trộn để ăn. Trị tăng huyết áp, nhức đầu.

Bài 3: cải bó xôi 250g, rau cần 250g rửa sạch, bỏ rễ, thái khúc ngâm nước sôi 2 – 3 phút, vớt ra cho vào tô nêm dầu vừng, gia vị trộn để ăn với cơm hoặc nấu cháo.

Bài 4: cải bó xôi 300g, mực tươi 300g, tỏi 20g, xì dầu 10g, dầu 50g, hành 10g, muối 5g. Cải bó xôi cắt đoạn 5cm, mực tươi cắt đoạn 4cm. Phi thơm hành tỏi, cho mực vào trước xào sơ, rồi cho rau và các thứ gia vị vào xào chín. Ngày 1 lần ăn với cơm.

Tư âm dưỡng tâm, thanh nhiệt, tiêu độc: cải bó xôi 300g, trứng muối 2 quả, gia vị. Đun nước sôi, bỏ trứng muối bóc vỏ thái lát vào rồi cho cải bó xôi cắt đoạn vào tiếp cùng gia vị. Nấu canh ăn với cơm. Còn dùng tốt cho người gan nhiễm mỡ.

Vị âm bất túc, đau nóng rát thượng vị, miệng khô không muốn ăn, thích uống nước, táo bón: cải bó xôi 200g thái nhỏ, đậu phụ 200g, thịt heo xay 50g, trứng gà 1 quả. Đậu phụ giã nhuyễn, trộn với thịt heo xay, thêm ít nước, bột mì hoặc bột gạo, bột gia vị, trộn với trứng gà, làm thành viên thả vào nước sôi nấu chín, rồi cho cải bó xôi vào.

Chữa khát nước, táo bón ở người đái tháo đường: cải bó xôi 90g, mộc nhĩ trắng 10g, nấu nước uống.

Chữa thiếu máu, rối loạn tiêu hóa, bệnh đường hô hấp: cải bó xôi 100g cho vào bát với 200ml nước đun cách thủy 10 phút, uống vào buổi sáng, trưa.

Bổ âm trị ho, hạ huyết áp: cải bó xôi 200g, ngân nhĩ 20g, tỏi 10g, hành 10g, dầu ăn 30g, gừng 5g, muối 5g. Rau cắt đoạn 5cm dùng nước sôi luộc chín để ráo nước. Ngân nhĩ bổ cuống, rang sơ, xé nhỏ. Cho cùng gia vị vào xào. Ngày ăn 2 lần với cơm.

Lưu ý: Tránh dùng cải bó xôi cho người bị sỏi thận, sỏi mật, hay đại tiện lỏng vì chứa nhiều canxi.

Nên phối hợp cải bó xôi với một vài thực phẩm khác, không dùng đơn độc. Trước khi chế biến nên rửa sạch, nhúng qua nước sôi. Không nên ăn, uống kéo dài.

Theo SKĐS

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top