Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thiếu máu nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu vi chất, chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu.
Các phụ nữ trong giai đoạn sinh sản, do thường xuyên mất máu trong các chu kỳ kinh nguyệt, vốn dĩ đã là các đối tượng có nguy cơ thiếu máu rất cao trong cộng đồng. Đến lúc phát hiện có thai, nguy cơ này sẽ tăng lên rất nhiều lần.
Phụ nữ mang thai có nhu cầu sắt cao hơn để nuôi dưỡng thai nhi nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến. Ngoài ra, chúng ta còn gặp thiếu máu do thiếu acid folic hoặc vitamin B12. Bên cạnh đó, phụ nữ ăn kiêng không hợp lý hoặc quá gầy trước khi mang thai cũng có nhiều nguy cơ thiếu máu hơn.
Nguyên nhân thiếu máu khi mang thai
Lượng máu ở người bình thường được xác định thông qua xét nghiệm nồng độ hemoglobin (Hb) trong máu. Nếu nồng độ Hb dưới 13g/dl ở nam và 12g/dl ở nữ thì đối tượng được xem là thiếu máu. Thai phụ được chẩn đoán là thiếu máu khi mang thai khi Hb dưới 11g/dl.
3 tháng đầu: Mang thai là một hoạt động gắng sức kéo dài, không chỉ hao tốn sức lực của người mẹ mà còn tiêu thụ rất nhiều năng lượng dự trữ để hình thành thai nhi.
Trong ba tháng đầu, giai này đôi khi xảy ra các hiện tượng chảy máu âm đạo sinh lý lẫn bệnh lý. Trong các trường hợp xuất huyết sinh lý, lượng máu mất đi thường ít, màu đỏ tươi do thai làm tổ trên bề mặt niêm mạc tử cung đang rất tăng sinh mạch máu nuôi, sẵn sàng chào đón phôi đến bám dính.
Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm đến các trường hợp có dị tật, tổn thương tử cung hay có can thiệp trên niêm mạc tử cung trước đó, như mắc bệnh tăng sinh nội mạc tử cung vô căn, u xơ tử cung, các thủ thuật bóc tách, nạo phá thai trong lòng tử cung... Điều này sẽ làm lượng máu mất sinh lý do thai làm tổ vô tình tăng lên nhiều hơn.
3 tháng giữa: Ba tháng giữa là giai đoạn bào thai có tốc độ tăng trưởng vượt bậc. Dưới màn hình siêu âm thai định kỳ, các mẹ bầu thấy con lớn “nhanh như thổi” và tâm trạng vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, nếu một chế độ ăn không đầy đủ năng lượng và đa dạng các dưỡng chất cần thiết, sản phụ sẽ đối diện với nguy cơ thiếu máu trầm trọng, gây suy dinh dưỡng bào thai, thậm chí thai nhi sẽ mắc phải các dị tật bẩm sinh.
Theo đó, khi sự bám dính của bánh nhau vào thành tử cung đã được củng cố, nguyên nhân thiếu máu trong giai đoạn này vốn dĩ chỉ là sự mất quân bình “cung - cầu”.
3 tháng cuối: Trong ba tháng cuối, tốc độ tăng trưởng của thai nhi bắt đầu chậm lại, chủ yếu để thuận tiện cho việc xoay đầu, sẵn sàng tư thế chuẩn bị chuyển dạ. Theo các quan sát, một cuộc chuyển dạ sinh thường luôn đối diện nguy cơ mất đi trung bình là 500 ml máu. Lượng máu mất này có thể tăng gấp đôi nếu chọn phương pháp phẫu thuật. Trong các tình huống phải mổ bắt con cấp cứu, lượng máu mất đôi khi không thể kiểm soát được và phải bắt buộc truyền máu.
Không chỉ như vậy, nếu xảy ra các tai biến hậu sản như bong nhau chậm, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản..., nguy cơ mất máu vẫn còn tiếp diễn.
Chính vì thế, việc chuẩn bị thể lực cho các bà bầu vượt cạn, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con là việc rất cần được quan tâm không chỉ trong tam cá nguyệt cuối mà suốt cả thai kỳ.
Nguyên nhân thiếu máu ở trẻ em:
· Do chế độ ăn thiếu sắt như thiếu sữa mẹ, uống sữa công thức không bổ sung sắt, ăn dặm thiếu thức ăn nguồn gốc động vật. Trẻ đẻ non, trẻ sinh thiếu cân, sinh đôi, lượng sắt dự trữ được cung cấp qua tuần hoàn rau thai ít nên cũng dễ thiếu sắt.
· Do hấp thu sắt kém: trẻ bị tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu, có dị dạng ở dạ dày ruột.
· Do tình trạng mất sắt mạn tính, gặp trong nhiễm giun móc, chảy máu cam, hành kinh (trẻ gái dậy thì), loét dạ dày- tá tràng, polyp ruột…
· Ngoài ra, các trường hợp trẻ trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì nhu cầu sắt cao trong khi cung cấp không đủ cũng có thể bị thiếu máu thiếu sắt.