Những làng “vít gió trời” – Kỳ 3: Tiếng đàn trong gió

Cầm Phong Thiên, tên một câu lạc bộ diều sáo nổi tiếng ở Nam Định. Dù đạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi diều trong nước và quốc tế, nhưng với những người có thú vui “vít gió trời” nơi đây, cánh diều và tiếng sáo chỉ thực sự được hòa quyện khi bay trên bầu trời quê hương.

Nguyễn Quyết Thắng có lẽ là nghệ nhân diều sáo trẻ nhất, nhưng cũng nổi tiếng nhất của câu lạc bộ Cầm Phong Thiên, giải thích về cái tên của hội: “Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng người Đức là ông Uli Wahl đã nói rằng, tiếng sáo diều tựa như tiếng đàn phong cầm trong các nhà thờ.

Diều sáo có thứ âm thanh mang tính tự nhiên khiến người nghe có thể nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần, có thể dùng làm phương pháp trị liệu trong y học. Diều sáo của Việt Nam thực sự là một di sản văn hóa quý giá không nước nào có được”.

Một số thành viên trong hội diều sáo Cầm Phong Thiên.

Từ lời nhận xét ấy, những người chơi diều sáo ở Nam Định đã chọn Cầm Phong Thiên là cái tên chính thức của hội. Thành viên của câu lạc bộ đến từ khắp các nơi, từ các làng quê có truyền thống chơi diều sáo cho đến những bạn trẻ có thú vui tìm hiểu về lịch sử, văn hóa.

Bởi thế, diều sáo Nam Định không chỉ coi trọng nghệ thuật diều bay và sáo hòa âm mà còn chú ý đến việc quảng bá hình ảnh văn hóa qua áo diều bằng việc in lên đó những di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng.

Tháp Phổ Minh “lên trời”

Về Nam Định, người ta dễ thấy những cánh diều lớn bay trên các cánh đồng và trên những con sông lớn như sông Hồng, sông Ninh Cơ… với hình ảnh tháp chùa Phổ Minh. “Tháp chùa Phổ Minh nặng tới 700 tấn, là một công trình cổ xưa rất nổi tiếng. Nhóm những người chơi diều sáo đã quyết định in hình tháp trên nhiều chiếc diều khác nhau để quảng bá hình ảnh quê hương”, nghệ nhân Nguyễn Quyết Thắng cho biết.

Chiếc diều đầu tiên mang hình tháp Phổ Minh được Thắng và nhóm lên kế hoạch rất tỉ mỉ. Đầu tiên là phải vẽ tháp Phổ Minh và lược bỏ hết các chi tiết không cần thiết để khi bọc diều, hình ảnh di tích không bị méo mó. Tiếp theo, tự tay Thắng đã đo đạc, tìm nguyên liệu làm một khung diều kích cỡ gần 7m.

Tranh Đông Hồ cũng được đưa vào áo diều.

“Sau khoảng gần 1 tháng, chiếc diều lớn mới hoàn thành và đem thả thử nghiệm. Nghệ nhân các làng thấy việc quảng bá hình ảnh văn hóa địa phương lên áo diều là một cách làm có ý nghĩa nên đã làm theo. Hiện tại, tất cả các di tích lịch sử văn hóa, các thắng cảnh danh lam đã được những người chơi diều ở Nam Định hoàn thành”, anh Thắng khẳng định.

Có lẽ thú chơi tao nhã như thả diều không đơn thuần chỉ để giải trí. Khách phương xa đến Nam Định, khi nhìn lên bầu trời ngày gió mát không chỉ thấy tháp Phổ Minh bay lên, mà còn thấy hình ảnh những dòng sông, những chùa chiền, nhà thờ dìu dặt cùng tiếng sáo trên lơ lửng không trung.

Nghệ thuật chế sáo phong cầm 

Ở Nam Định, sáo diều là một đặc trưng trong thú vui chơi diều sáo ở nước ta. Những người am hiểu tiếng sáo thường hay học hỏi cách làm sáo diều của người Nam Định. Cũng âm thanh ấy, nhưng hình như khi sức gió thay đổi thì thanh âm cũng thay đổi theo.

Bởi vậy, tiếng sáo diều Nam Định được ví như tiếng phong cầm. Để làm được loại sáo có âm thanh dìu dặt, nhẹ nhàng, nghệ nhân chế tác sáo phải có bí quyết riêng.

Ông Trần Tiến Thạo, nghệ nhân diều sáo thuộc hội sáo Quất Lâm (Giao Thủy) chỉ tay vào bộ dụng cụ xếp đầy một góc nhà và nói: “Trước các cụ làm sáo chỉ cần có cái đục và con dao nhọn, nhưng ngày nay làm sáo cầu kỳ hơn”.

Ông Thạo cho rằng, để làm được một bộ sáo phải có các vật liệu như cây mai, vầu, giang nhưng thường dùng hơn là cây dùng già. Nếu may mắn kiếm được đoạn ống tre mà kiến làm tổ tạo độ sần sùi thì sáo sẽ cứng cáp, không bị vỡ.

Người chơi diều sáo ở Nam Định rất chú trọng âm thanh của sáo.

Công đọan làm miệng sáo mới đáng quan tâm. Nghệ nhân vùng Nam Định thường chọn các cây gỗ có dạng xoắn thớ như mít cổ thụ để đảm bảo độ vừa dai và rắn. Đồng thời, gỗ mít rất nhẹ nên thích hợp làm miệng sáo diều. Có những người cầu kỳ thì làm miệng sáo bằng sừng trâu.

Ông Thạo bảo rằng, dù các loại sáo nhìn giống nhau nhưng mỗi bộ lại có một âm thanh riêng biệt. Cũng giống như chim, dù chúng cùng một tên gọi nhưng lại có tiếng hót khác nhau. Âm thanh của sáo diều phụ thuộc vào rất nhiều thứ. Nhưng có quy tắc chung của âm thanh là làm sao phải êm ả, tròn vành rõ tiếng.

“Thông thường mỗi bộ sáo chỉ cần có 3 chiếc là đủ các bộ âm chính, còn các sáo khác như dòng âm để hòa đồng reo theo. Nhưng người Nam Định thì đã chơi thì phải từ 5 chiếc, 7 chiếc hay 9 chiếc. Thậm chí là 13 chiếc thì lúc lên gió, tiếng sáo chẳng khác nào tiếng phong cầm với dàn đồng ca trên không trung”, ông Thạo bật mí.

Con số 13 cây sáo được xếp theo thứ tự âm thanh từ to đến nhỏ gồm: ầm, ì, bi, bu, bô, xô, do, de, dí, dị, dì, di. Nếu một bộ xếp các thứ tự âm thanh vừa nêu thì được gọi là sáo đàn, tức là mẹ gọi con thưa, tuần tự kế tiếp. Còn bộ nào bỏ khuyết đi một thì gọi là sáo cầm còi: Bà gọi cháu thưa, chắt vỗ tay.

Gửi bình yên trên mỗi nóc nhà

Đêm tháng 5, ở những làng quê Nam Định hình như không bao giờ ngớt đi tiếng sáo. Dìu dặt, văng vẳng lúc xa lúc gần, có những lúc lòng người chống chếnh với ánh trăng với bóng diều như bóng hạc ăn đêm.

Vẻ đẹp thuần phác xưa cũ ấy, bây giờ hiếm nơi nào giữ được. Như tâm sự của nghệ nhân trẻ Nguyễn Quyết Thắng, là câu lạc bộ diều sáo phải quyết giữ hình ảnh đẹp, gửi yên bình trên mỗi nóc nhà bằng việc thức đêm canh diều.

Vào những ngày đẹp trời, những người trong hội chơi lại tụ tập thi diều.

“Mỗi đêm, khi thả diều, chúng tôi vẫn thường cử người thay nhau canh diều. Tiếng sáo diều ban đêm là thứ âm thanh dễ chịu nhất, nó giúp người ta thoải mái, khỏe mạnh hơn. Và, đặc biệt đó là thứ âm thanh của văn hóa, của tuổi thơ mỗi người. Chúng tôi luôn chú trọng đến ký ức, vì chơi diều cũng chính là thú vui của tuổi thơ”, anh Thắng cho hay.

Còn nghệ nhân Trần Tiến Thạo lại khẳng định, tiếng sáo diều có khả năng chữa bệnh cho con người. Ông bảo rằng, năm 1773 nhà bác học Lê Quý Đôn có viết “ngày nay người ta thả diều giấy lên cao cho trẻ con ngửa mặt lên trông để cho nhiệt hỏa từ trong người trẻ tiết ra hơi thở. Xem đó ta đủ thấy cổ nhân làm đồ chơi nhỏ mọn như thế cũng có ý nghĩa lắm”.

Chẳng biết những dẫn dắt mang lời kiến văn ấy có thật hay không. Nhưng, thú vui chơi diều sáo thì được nhiều người theo đuổi. Có người còn coi đó là một nghề, ngoài hưởng niềm vui thú giản đơn thì còn có thể kiếm được ra tiền.

Hiện nay, ở Nam Định có hàng chục ngôi làng còn giữ được nghề làm diều sáo thủ công. Tuy nghề này chẳng đem lại cho họ tiền trăm bạc vạn, nhưng ít nhất cũng giúp họ gửi những vọng bay cao hơn, xa hơn.

“Để có được tiếng sáo hay thì tiếng sáo nhất, nhì, ba phải “ăn” nhau, như “đập” vào nhau và pha trộn nhuần nhuyễn làm cho người nghe không còn phân biệt được đó là ba cây sáo. Tiếng sáo trộn ấy khiến người nghe thấy chỉ một tiếng vọng. Khi gió thổi mạnh thì tiếng vọng càng vang xa, càng dìu dặt”.

Nghệ nhân Trần Tiến Thạo

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top