Tục lệ đua diều ở Song An đã có từ hơn 500 năm trước.
Tổng An Lão xưa, nay là xã Song An (Vũ Thư – Thái Bình) có một ngôi đền cổ kính mang tên Sáo Đền. Đây được coi là cái nôi văn hóa với tục lệ đua diều trứ danh của đất Bắc. Người Song An không chỉ coi việc đua diều là tục lệ mà nâng thành hàng tín ngưỡng.
Tích xưa kể lại
Cụ Bùi Tiến Giác, nghệ nhân diều sáo Song An dẫn chúng tôi tới Đền Sáo nay tọa lạc tại thôn Quý Sơn và hướng dẫn rằng, ngày trước đây là tổng An Lão thuộc huyện Thư Trì, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam. Sáo Đền gồm đền Mẫu thờ Quốc Thái phu nhân Đinh Thị Ngọc Kế và Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao người có công làm rạng rỡ ba đời vua Lê.
Người dân nô nức đem diều sáo rước đến đền Sáo Đền.
Ngoài ra còn đền “Tam quốc công” được xây ngay bên cạnh, thờ 3 anh em Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt là người có công lớn trong việc lập nhà Lê. Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao là cháu ngoại Quốc công Đinh Lễ, bà là vợ vua Lê Thái Tông và là mẹ của vua Thánh Tông.
“Sở dĩ đền thờ được xây dựng là vào năm 1471, vì vua Lê Thánh Tông với lòng hiếu nghĩa đã cho xây dựng một điện thờ trên đất tổng An Lão để sớm tối Thái hậu tụng kinh niệm Phật và cầu đảo. Cứ đến ngày giỗ Quốc mẫu hay ngày giỗ của Tam quốc công, con cháu Đinh Lễ thường cho thả sáo diều tưởng nhớ đến ngày xưa khi quân binh thả diều để quên đi mệt nhọc sau trận mạc”, cụ Giác cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Sáo Đền được Nhà nước xếp hạng di tích từ năm 1983. Sau 500 năm tồn tại trên đất Song An, nay đền Mẫu chỉ còn lại cung cấm và cung trong là nơi thờ tự cúng bái hàng năm. Cung ngoài và hai nhà tài xá đã biến cải nhiều. Sân đền, hai cung tướng, gác chuông xưa, giờ không còn lại dấu vết gì. Khu đền Tam quốc công cũng chỉ còn hậu cung và tấm bia đá khắc ghi sơ bộ công đức của ba anh em họ Đinh.
Nghề làm diều trứ danh
Ở Song An, khách qua đường luôn phải nán lại ít phút thảnh thơi cùng sáo diều. Trên bầu trời Song An, những cánh diều đủ mọi kích cỡ màu sắc “vít gió trời” ở những tầng cao thấp. Tiếng sáo vi vu đưa đẩy càng làm cho cái không khí thanh bình vùng chiêm trũng thêm yên ả.
Thi diều ở Song An trở thành một nét văn hóa độc đáo.
Ở làng đua diều cổ kính này, từ người già đến trẻ nhỏ đều đam mê thả diều, họ thả diều quanh năm và đã từng tham dự nhiều cuộc thi thả diều lớn được tổ chức trong toàn quốc. Tuy nhiên theo các nghệ nhân nơi đây thì vào mùa xuân và mùa hè là lúc phong trào thả diều lên cao nhất, bởi lúc này mùa nông vụ đã xong, hơn nữa cũng là khi gió đẹp kéo về nên thích hợp với thả diều.
Theo kinh nghiệm, không phải cứ có gió là thả được diều mà phải nghe ngóng xem nếu đó là gió xoáy hay gió hiền hòa. Nếu gió xoáy thì phải tuyệt đối tránh, vì như vậy không những diều không thể lên mà còn làm đứt dây diều. “Diều đứt dây thì tiếc lắm. Nó vừa là điềm xui, lại gây tốn kém. Mỗi cái diều chất lượng cũng có giá tiền triệu chứ ít gì”, cụ Giác thủ thỉ.
Thì ra ở Song An, đua diều không chỉ là cái thú mà còn trở thành một nghề. Ngoài thú chọi diều, thi diều cao thấp thì nghề hình thành từ xa xưa chính là sản xuất diều và làm sáo. Nó là một nghề thủ công liên quan đến cây tre giống như nghề làm thuyền nan hay rổ rá vậy.
“Ở quê tôi, hầu như ai cũng biết làm diều và làm sáo. Vấn đề là người ấy có giỏi hay không. Người giỏi nghề làm ra chiếc diều đẹp, nhẹ và bay cao; làm ra cái sáo có âm thanh trầm bổng, thanh thót. Và, nhiều người nhờ nghề làm diều mà nuôi sống cả gia đình”, cụ Giác cho hay.
Theo kinh nghiệm của cụ Giác và các nghệ nhân Song An, để có những cánh diều tốt, người chơi phải chọn những cây tre 10 năm tuổi, phơi liền ba tháng cho kiệt nước, nếu cong thì phải đốt lửa uốn cho thẳng, cung trên phải to hơn cung dưới. Sáo diều làm bằng ống nứa và nếu đã chơi sáo diều, vui nhất là tự tay mình làm chứ đi mua thì không còn gì thú vị nữa.
Bộ sáo khổng lồ ở Song An.
Ống sáo được gắn với mắt sáo tròn bầu khoét khe ở giữa. Gió sẽ luồn vào khe và phát ra tiếng khi diều chao lượn trên cao. Mắt sáo thường làm bằng gỗ mít, mắt gạo nhẹ và bền. Tùy theo kích thước của diều mà gắn sáo nào vào cho phù hợp. Có chiếc diều khung rộng tới 5m thì sẽ được gắn ống sáo to hơn cái phích, dài hàng mét.
Vào nhà nào chúng tôi cũng bắt gặp những chiếc diều treo trên tường. Có những gia đình, thay vì khung cảnh, bằng khen thì toàn treo diều. Diều đủ mọi kích cỡ, màu sắc, hình dáng. Và trong tủ kính hay trên sập gụ là những bộ sáo đủ loại. Có bộ sáo chỉ 3 chiếc nhỏ, nhưng có bộ lên tới 9 ống lớn.
Nhà anh Trần Bá Sâm hiện nay có tới 20 bộ sáo. Anh bảo, bộ rẻ nhất có giá gần 1 triệu, bộ đắt nhất có người đến trả 30 triệu mà chưa bán. “Nghề chơi diều không đơn thuần chỉ là chơi đâu ạ. Chơi mà ra tiền mới là chơi. Ở đây, không ai không biết chơi diều, và chẳng ai không biết làm sáo”, anh Sâm tiết lộ.
Hồn làng ngày “vít gió”
Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng ban Văn hóa xã Song An cho biết: Nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong lễ hội Sáo Đền chính là diều sáo, đó chính là hồn làng. Diều thi ở Sáo Đền phải là diều đại, có chiều dài từ 9 thước trở lên. Có những diều dài tới 30 thước, sáo đan gắn sơn phải 2 người khiêng.
Diều thờ ở Đền Sáo.
Diều thì có các loại cánh doi, cánh bầu, cánh cốc hay còn gọi là cánh tiên, hình dáng cầu kỳ, đa dạng. Nhưng có nhiều và đông hơn cả là diều cánh doi, vừa dân dã mà lại có thể cõng được các bộ sáo lớn và vẫn đứng thẳng ở chiều dài 2000m.
Để làm được một chiếc diều tốt, người thợ Song An thường chọn loại tre hóp đực, già cây, nằm ở giữa bụi, thẳng gióng dầy cật. Đặc biệt cây tre có đặc điểm rụng lá vào khoảng tháng 3, trùng với dịp hội Sáo, khi đó thân tre sẽ khô, dẻo thuận tiện cho việc sử dụng.
Trước khi lên khung, diều tre phải được sơ chế qua nước vôi hoặc nước muối đun kỹ trong một thời gian để chống mối mọt. Giấy phất diều phải là loại giấy nhẹ, dai mà lại không thấm nước. Ngày trước, các cụ thường dùng giấy dó, hay còn gọi là giấy bản. Đặc biệt khâu sơn diều được nghệ nhân lấy quả cậy hay quả hồng xiêm non giã nát, pha nước quết lên diều khoảng 3 lần. Diều khi được quét lớp sơn này, lên cao gặp gió to không bị rách, lỡ có rơi xuống nước cũng không bị ướt.
“Sáo diều rất đa dạng. Có loại làm bằng tre, bằng gỗ; có loại làm bằng kim loại chủ yếu là chất liệu đồng. Sáo thường được làm theo bộ, với các bậc âm thanh: kồng, còi, go, ghí, gộ. Mỗi loại là một tên gọi khác nhau như sáo bi là sáo đơn có 1 ống; sáo kép gọi là sáo chị em; sáo 3 ống là sáo con khóc mẹ ru”, nghệ nhân Bùi Tiến Giác.
Trần Hòa