Những chế độ điều hòa tiết kiệm điện mà bạn nên biết

Chế độ tiết kiệm điện cho điều hòa không chỉ hạn chế chi phí tiền điện mỗi tháng, mà còn giúp sử dụng thiết bị hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không phải người dùng nào cũng biết về các chế độ này, cùng tìm hiểu ở bài viết này.

Chế độ ngủ (Sleep)

Chế độ ngủ thực chất là một chế độ tiết kiệm điện năng và bảo vệ sức khỏe người dùng, được thiết kế dành riêng cho máy khi vận hành vào ban đêm.

Chế độ này giúp máy lạnh hoạt động hiệu quả hơn với cơ chế thiết lập đặc biệt nhằm cân bằng nhiệt độ môi trường với nhiệt độ cơ thể, mang đến cảm giác thư thái, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng khi ngủ.

Cụ thể, khi bật chế độ sleep vào ban đêm, sau khoảng thời gian cố định được thiết lập, máy lạnh sẽ tự động tăng nhiệt độ lên để nhiệt độ phòng phù hợp với thân nhiệt của người sử dụng (thông thường là cứ sau 30 phút - 1 tiếng nhiệt độ sẽ tăng lên 1 độ).

Bởi vậy, chế độ này giúp tiết kiệm điện năng tối đa và không gây hại cho sức khỏe, khắc phục gần như hoàn toàn hiện tượng bị rét lúc nửa đêm, từ đó giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn.

Ảnh minh họa. - Ảnh: internet.

Ảnh minh họa. - Ảnh: internet.

Chế độ hẹn giờ bật/tắt

Chế độ hẹn giờ là chức năng cho phép người sử dụng máy lạnh có thể chủ động cài đặt thời gian bật hoặc tắt máy lạnh theo ý muốn. Chế độ hẹn giờ được điều chỉnh bằng remote, vô cùng tiện lợi khi gia đình bạn thường xuyên có nhu cầu sử dụng máy lạnh vào một khoảng thời gian nhất định nào đó trong ngày, ví dụ như trưa nắng hoặc chiều tối.

Đặc biệt, chế độ này rất hữu ích khi sử dụng ban đêm lúc ngủ, vừa giúp bạn ngủ ngon hơn, không bị quá lạnh, đồng thời tiết kiệm điện năng tiêu thụ.

Hầu hết các dòng máy lạnh hiện nay đều được trang bị chế độ hẹn giờ bật/tắt và có thể điều khiển trên remote hoặc ứng dụng điều khiển từ xa qua smartphone.

Thiết lập tốc độ quạt

Khi nhấn nút "Fan Speed" chế độ thiết lập tốc độ quạt khác nhau gồm Auto (tự động), Low, Medium, High (hoặc với một số điều khiển nó sẽ có biểu hiện lần lượt là 1 chấm, 3 chấm, 5 chấm).

Chọn Auto, máy sẽ tự động chọn chương trình cài đặt sẵn thích hợp nhất với nhiệt độ ngoài nhà và nhiệt độ hiện tại trong nhà. Còn lại, quạt càng lớn đồng nghĩa với điện năng sẽ tiêu tốn càng nhiều, điều hòa càng ồn và không khí trong phòng cũng như da bạn càng chóng khô. Thay đổi một nấc gió sẽ cho bạn cảm nhận giống như thay đổi một độ C khi đặt nhiệt độ cho điều hòa.

Nếu chỉ tính riêng quạt, cùng một công suất tương đương thì lưu lượng gió đi qua cửa quạt ở điều hòa sẽ thấp hơn lưu lượng gió đi qua một chiếc quạt thuần túy. Vì vậy, muốn tiết kiệm điện, bạn nên bật quạt điều hòa ở chế độ thấp nhất, kèm thêm một chiếc quạt phụ bên ngoài hơn là chỉ bật quạt điều hòa ở chế độ cao nhất.

Bật chế độ làm khô (Dry)

Chế độ dry là chế độ làm giảm độ ẩm trong phòng, thuận tiện nhất khi sử dụng vào thời điểm trời mưa ẩm ướt, độ ẩm trong không khí trong khoảng 60 - 70%.

Khi sử dụng chế độ này, quạt và hệ thống của máy lạnh vẫn chạy nhưng không tỏa ra khí lạnh, nhờ đó máy lạnh không chỉ hút khí ẩm trong phòng để bầu không khí được mát mẻ, khô ráo hơn, đồng thời giảm công suất tiêu thụ điện.

Hầu hết các dòng máy lạnh hiện nay đều được trang bị chế độ làm khô (Dry) và có biểu tượng là hình giọt nước trên màn hình remote điều khiển.

Chế độ quạt (Fan)

Với chế độ quạt, quạt chạy liên tục và máy nén tắt. Sử dụng các chế độ quạt khi bạn không muốn làm mát, nhưng muốn chạy quạt để khí lưu thông trong phòng. Tuy nhiên, thay vì chạy điều hòa ở chế độ quạt (trong đó sẽ chỉ thông gió hạn chế), bạn có thể bật chạy quạt trần (nếu nó có trong phòng) cho một không khí lưu thông thông suốt.

Theo Đời sống
back to top