Những bí mật ít người biết về linh vật sư tử thuần Việt

Sư tử là linh vật xuất hiện rất phổ biến tại đền, chùa và nhiều loại hình công trình thờ tự khác ở Việt Nam, nhưng không phải ai cũng biết về nguồn gốc xuất xứ, đặc điểm và ý nghĩa của linh vật này.

Biểu tượng sức mạnh vương quyền

Theo tài liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Sư tử nguyên là linh vật Phật giáo, được truyền vào Việt Nam theo sự du nhập của Phật giáo, nhưng được cải biến phù hợp với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

Từ thời Trần (thế kỷ 13–14), khi Nho giáo phát triển, Sư tử được chọn làm biểu tượng của sức mạnh vương quyền thì hình tượng Sư tử xuất hiện phổ biến ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, đa dạng về hình thức và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau.

Hình tượng sư tử trên cây cầu đá cổ ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh.

Hình tượng sư tử trên cây cầu đá cổ ở chùa Bút Tháp, Bắc Ninh.

Về đặc điểm tạo hình cơ bản có hai loại: hình Sư tử (các chi tiết hình thể của sư tử) và kết hợp đặc điểm Sư tử – Chó (đầu Sư tử, thân Chó). Trong đó, hình Sư tử xuất hiện ở mọi thời đại, trên nhiều loại hình nghệ thuật. Hình Sư tử – Chó ít nhất bắt đầu xuất hiện từ thời Lê sơ (thế kỷ 15), chủ yếu trên đồ thờ cúng, trong trang trí kiến trúc hoặc trong tư cách là linh vật trấn giữ…

Đa dạng linh vật sư tử

Cũng như các nước Á Đông, ở Việt Nam, Sư tử còn có tên gọi khác là Nghê. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, Sư tử được gọi là Nghê khi tạc làm bệ tượng Phật, là vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát, đội lư hương hoặc ngồi trên nắp đỉnh trầm, dù đều trong hình tướng Sư tử.

Ở Việt Nam thì diễn biến khá phức tạp. Thông thường, linh vật này được gọi là Sư tử khi tạo theo hình tướng Sư tử, gọi là Nghê khi mang đặc điểm kết hợp của Sư tử và Chó.

Tượng sư tử / nghê chầu bằng gỗ sơn thiếp, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17–18 (BT LSQG).Tượng sư tử / nghê chầu bằng gỗ sơn thiếp, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17–18 (BT LSQG).

Tuy nhiên, nhiều khi, những hình sư tử nhỏ trong trang trí hoặc đồ thờ cúng cũng được gọi là Nghê hoặc Lân. Có những linh vật trong hình Sư tử – Chó, dân gian thường gọi là Nghê, nhưng trong văn bản chính thống ghi chép về việc tạo tác này vẫn gọi là Sư tử…

Ở các ngôi chùa Việt xưa, bệ tượng Phật tạo hình Sư tử thường gọi là “Sư tử tọa”, nhưng đôi khi cũng gọi là “Nghê tòa”, tục danh gọi là Ông Sấm…

Cặp sư tử làm bằng gỗ sơn thếp thời Nguyễn, thế kỷ 19 đầu 20 (BT LSQG).

Cặp sư tử làm bằng gỗ sơn thếp thời Nguyễn, thế kỷ 19 đầu 20 (BT LSQG).

Tượng sư tử hoặc nghê bằng sành, thế kỷ 18 – 19 là dạng tượng thường được gắn trên đầu hai trụ biểu các công trình kiến trúc cổ với chức năng trấn giữ, canh gác.

Đề tài sư tử hí tiền, sư tử hí cầu bắt đầu xuất hiện từ thời Trần về sau, phổ biến và đạt tới đỉnh cao thời Lê Sơ, là hình ảnh biểu trưng của sự thái bình thịnh trị. Đây vốn là ý nghĩa của kỳ lân, được gán ghép cho sư tử.

Theo Đời sống
back to top