U ác xâm lấn các xoang phải cắt cả xương hàm
Bệnh nhân Nguyễn Thị T. (sinh năm 1953, Vĩnh Phúc) vào viện do đau đầu, đau nhức hốc mắt, ngạt mũi, chảy nước mũi dịch hôi bên phải. Được biết, người bệnh có tiền sử K tuyến nước bọt, đã phẫu thuật và nạo vét hạch, tuy nhiên sau một thời gian người bệnh thấy đau đầu, đau nhức mặt kèm theo ù tai, mũi phải chảy dịch mùi hôi, làm ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện khe và sàn mũi phải có khối u sùi xâm lấn vào các xoang sàng, hàm phải, được chỉ định phẫu thuật.
ThS.BS Nguyễn Thế Đạt, Phó trưởng khoa Liên chuyên khoa Mắt – Tai mũi họng – Răng hàm mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, phẫu thuật mở cạnh mũi lấy khối u sàng hàm là một phẫu thuật phức tạp, do vị trí giải phẫu ở sâu, phức tạp liên quan nhiều đến các cơ quan như mắt, não, các động mạch và thần kinh. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ được lấy toàn bộ khối u sàng hàm và cắt một phần xương hàm trên, có sử dụng dao mổ laser, đồng thời lấy mẫu u làm xét nghiệm giải phẫu bệnh. Kết quả cho biết người bệnh bị ung thư mũi xoang. Sau phẫu thuật 1 tuần, sức khỏe của người bệnh ổn định, tiếp xúc tốt, đường mổ cạnh mũi phải vết mổ khô, liền tốt. Người bệnh được chuyển sang Trung tâm Ung bướu để tiếp tục xạ trị.
Triệu chứng giống viêm mũi xoang
ThS.BS Nguyễn Thế Đạt cho biết, ung thư vùng sàng hàm là từ chung để chỉ các ung thư ở xoang hàm hay xoang sàng vì giai đoạn đầu, các triệu chứng thường không rõ rệt, tương tự nhau. Đến giai đoạn sau ung thư đã lan rộng rất khó phân định được nơi khởi phát. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở những người trên 40 tuổi, nam giới gặp nhiều hơn phụ nữ, tỷ lệ 3/1. Nhiều yếu tố môi trường gây ung thư sàng hàm: hóa chất (nickel, chất thuộc da…), khói bụi (thuốc lá, bụi gỗ.), độc tố nấm mốc (aflatoxin…). Ở châu Âu được coi là bệnh nghề nghiệp của thợ xẻ gỗ. Đặc biệt, gần 12% gặp ở những người lớn tuổi bị viêm xoang mạn có polyp.
Theo các chuyên gia, ung thư sàng hàm có tiên lượng xấu vì thường được chẩn đoán muộn, có khi khối u đã xâm lấn vào nền sọ, ổ mắt. Vị trí khối u đóng vai trò quan trọng vì nó chi phối triệu chứng lâm sàng biểu hiện và quyết định tiên lượng.
Biểu hiện ban đầu của bệnh thường âm thầm, không được biết đến hoặc chỉ có các triệu chứng ngạt, chảy nước mũi một bên như viêm mũi thường hoặc là các triệu chứng giống bệnh viêm mũi xoang: Đau đầu, nghẹt mũi, chảy đàm mủ, hơi thở hôi. Các triệu chứng đặc hiệu: Tùy theo vị trí và mức độ xâm lấn của u như chảy máu mũi, đau vùng mặt, biến dạng, tê một vùng mặt. Ù tai, giảm thính lực (dấu hiệu này quan trọng vì cho thấy u đã xâm lấn vòm mũi họng). Hạch cổ.
Khi khối u bộc lộ dấu hiệu thực thể là đã chèn ép dây thần kinh, hủy xương hay gây bít tắc các lỗ thông xoang. Các dấu hiệu thường gặp nhất gồm: Khối u trong mũi gây tắc nghẽn mũi; U khẩu cái cứng gây biến dạng mặt, phá thành trước xương hàm... Lồi mắt, sụp mi, liệt vận nhãn... Giai đoạn rõ rệt: Ngạt tắc mũi tăng dần, ban đầu ngạt vừa, hay bị chảy máu cam; Chảy mũi mủ thối, thường có lẫn dây máu, hay bị chảy máu cam; Nhức đầu âm ỉ, ở quanh ổ mắt hay nửa đầu; Tê bì nửa mặt. Khám thực thể thường thấy khối u sùi, mềm nhưng không bóng mọng như polyp, màu bệch, trên mặt có thể có ác chỗ loét, có mủ bám, chạm vào dễ chảy máu, che lấp một phần hay toàn bộ hốc mũi.
Theo ThS.BS Nguyễn Thế Đạt, khi phát hiện bệnh, phẫu thuật là phương pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên, sau phẫu thuật người bệnh phải tiếp tục xạ trị để tránh tái phát. Xạ trị và hóa trị được dành cho những u quá khả năng phẫu thuật.