Đó là thông tin GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết tại Hội thảo “Tổng kết dự án tăng cường chẩn đoán và điều trị viêm gan virus C tại Việt Nam” do Bệnh viện Nhiệt đới TƯ và tổ chức Sáng kiến kiến tiếp cận Y tế Clinton (CHAI), tổ chức tại Hà Nội ngày 24/9.
Theo ước tính của WHO, khoảng 1/3 dân số thế giới có huyết thanh đã từng hoặc đang nhiễm virus viêm gan B (VGB) và khoảng 1% dân số nhiễm viêm gan C (VGC). Điều tra năm 2015 cho thấy, viêm gan virus gây ra 1,34 triệu ca tử vong năm 2015, hầu hết do xơ gan (720.000 ca tử vong) và ung thư gan (470.000 ca tử vong) liên quan đến VGB và VGC. Điều đáng nói là trong tổng số 71 triệu người nhiễm HCV, chỉ có khoảng 14 triệu người (20%) được chẩn đoán và 1,1 triệu người (7,4%) được điều trị HCV.
Tại Việt Nam theo ước tính của Bộ Y tế có khoảng 7,8 triệu người VGB mạn tính và 1 triệu người có HCV. Tuy nhiên, số người được chẩn đoán và điều trị rất ít. Hiện ít nhất có khoảng 3,22 triệu người cần phải được điều trị và 1,28 triệu người cần được chẩn đoán nhưng thực tế chỉ có khoảng 44.000 người được chẩn đoán và điều trị. Đây là khoảng cách rất xa với giữa người bị bệnh và người được chẩn đoán điều trị. Nhiều người không biết mình có bệnh chỉ khi bị xơ gan, ung thư gan đến điều trị tại các cơ sở y tế mới biết mình bị nhiễm virus viêm gan.
GS.TS Nguyễn Văn Kính cảnh báo tình trạng nhiễm VGC đang nổi lên như một vấn đề y tế cần được ưu tiên tại Việt Nam. Hiện tỷ lệ nhiễm virus VGC trong quần thể chung ở phía Bắc là 0,38 – 1,7% và ở phía Nam là 1 – 4,3%. Theo ước tính gánh nặng bệnh tật do VGC đến năm 2030, tổng số người nhiễm VGC mạn tính giảm 10%, nhưng số tử vong liên quan đến gan, ung thư gan và xơ gan sẽ tăng 19 – 25%.