Mâm xôi là cây mọc hoang ở khắp vùng đồi núi rừng miền Bắc Việt Nam. Toàn cây mâm xôi đều có thể dùng làm thuốc. Lá có flavonoid, tanin, fragarin, axit gallic và ellagic, vị se, có tác dụng hoạt huyết, thanh nhiệt, tán ứ, tiêu viêm. Quả có màu đỏ sẫm, có chứa các axit hữu cơ, chủ yếu là axit citric, malic, salycilic, vị ngọt, hơi chua, tính bình có tác dụng bổ can thận, giữ tinh khí, làm cường dương mạnh sức. Mùa thu hoạch từ tháng bảy đến tháng tám hằng năm.
Cách dùng: Quả thường được dùng ăn. Cành lá già phơi khô, nấu nước uống thay chè giúp dễ tiêu hoá. Cây dùng làm trà uống mát, lợi tiểu tiện với liều 10 - 15g hãm hoặc sắc uống. Quả chữa đau thận hư, tinh ứ, liệt dương, đái són, vãi đái, hoạt tinh, di tinh. Cành lá (và rễ) dùng chữa viêm gan cấp và mạn, viêm tuyến vú, viêm loét miệng, dùng cho phụ nữ sinh đẻ uống làm thông máu, tiêu cơm. Ở Ấn Ðộ người ta dùng quả làm thuốc chữa bệnh đái dầm của trẻ em. Lá được dùng làm thuốc điều kinh, gây sẩy thai.
- Chữa viêm gan mạn tính, sưng gan, viêm tuyến vú, dùng 30 - 40g cành lá cây mâm xôi, với cây ô rô, mộc thông, mỗi vị 15 - 20g, sắc uống.
- Liệt dương, di tinh, hoạt tinh, đái són, đau thận hư: 20 - 30g quả sắc uống hoặc phối hợp với các vị ba kích, kim anh, mỗi vị 10 - 15g, sắc uống.