Ảnh minh họa.
Theo báo cáo của trường THCS An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội), gần đây khu vực xung quanh trường có nhiều muỗi nên ngày 11/3 nhà trường tổ chức phun thuốc diệt muỗi. Sáng 12/3, khi đang học 8 em có biểu hiện bị dị ứng như cay mắt, ngứa nhẹ và nổi mẩn đỏ…
Nhà trường đã mời nhân viên trung tâm y tế huyện đến kiểm tra, thông báo với phụ huynh. Đồng thời cho toàn bộ học sinh nghỉ buổi chiều, huy động cán bộ tổng vệ sinh toàn trường. Sau khi làm theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế, đến chiều cả 8 em đã hết dị ứng.
Theo các chuyên gia, việc dị ứng thuốc diệt muỗi có thể xảy ra với trẻ có cơ địa nhạy cảm dị ứng. Hóa chất dùng để phun diệt muỗi đều là loại được Bộ Y tế cấp phép, đảm bảo an toàn, thời gian cách ly tối thiểu từ một đến hai giờ, vì thế người dân không nên quá lo lắng.
Sau khi phun thuốc diệt muỗi, cần chờ cho thuốc khô khoảng 30 phút là có thể vào nhà. Người bệnh đường hô hấp, cơ địa dị ứng hoặc trẻ nhỏ dễ bị kích ứng (có thể bị ho) nên tránh khỏi nơi phun thuốc lâu hơn 2-3 giờ.
Hiện Bộ Y tế cho phép lưu hành 3 hóa chất diệt muỗi gồm deltamethrine, permethrine và malathion. Khi diệt muỗi trong phạm vi gia đình, người dân nên tham khảo ý kiến của các nhà côn trùng học hoặc liên hệ với khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm hay dịch tễ của Trung tâm y tế dự phòng quận, huyện, tỉnh để được hướng dẫn.
Các trường cũng nên lưu ý, sau khi phun thuốc diệt muỗi trong các phòng học khoảng 2-3 giờ, cần lau sạch bàn ghế, sau đó mới cho học sinh vào học. Đặc biệt, việc phun hóa chất diệt muỗi cần có sự hướng dẫn của nhân viên y tế, nhất là về tỷ lệ pha và hướng dẫn cách ly an toàn.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 56 ca sốt xuất huyết.
Hà An(VNExpress)