Nhiều biến chứng nguy hiểm do lạm dụng rượu bia

Rượu bia hay những đồ uống có cồn đều là những đồ uống có hại cho sức khỏe, nếu quá lạm dụng có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

Mới đây, tại Phú Thọ, xảy ra trường hợp bệnh nhân nhập viện do uống quá nhiều rượu trong nhiều ngày liền. Bệnh nhân là H.Q.T. (51 tuổi, trú tại huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) trước khi vào viện có tình trạng nói nhảm, không kiểm soát được hành vi, người lịm tím tái.

Khi được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh thăm khám, tình trạng bệnh nhân ở mức nguy kịch, hôn mê sâu, thở ngáp cá, toàn thân tím tái, da nổi vân đá toàn thân, mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt, đại tiểu tiện không tự chủ.

Với trường hợp này, các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức chống độc đã tiến hành đặt ống nội khí quản, thở máy, sử dụng thuốc vận mạch nâng huyết áp, truyền dịch. Sau 1 giờ cấp cứu tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại sau 3 ngày sức khỏe bệnh nhân đã bình phục.

Dù được cảnh báo về tác hại của rượu bia nhưng rượu bia là đồ uống được sử dụng rộng rãi, mọi lúc mọi nơi như đám tiệc, lễ hội... Rượu là đồ uống chứa ethanol có thể gây nghiện. Tình trạng lạm dụng rượu đã gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng thậm chí còn dẫn đến những cái chết thương tâm. Việc lạm dụng rượu và những tác hại của nó trở thành mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội.

Theo BSCKI. Trần Thạch Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu - Hồi sức chống độc Đồ uống có cồn (rượu, bia...) làm tăng nguy cơ huyết áp cao, thậm chí suy tim, đột quỵ nếu uống trong thời gian dài. Lạm dụng rượu bia gây viêm gan, xơ gan, viêm tụy cấp, đái tháo đường, đặc biệt ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh, nói không rõ ràng, điều hòa động tác cơ thể kém; tê bì, ngứa ở bàn chân, bàn tay; giảm trí nhớ.

Bên cạnh đó, rượu bia còn gây hại đến hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu chất dinh dưỡng, gây chướng bụng, đầy hơi, viêm loét dạ dày, tá tràng, suy giảm khả năng sinh sản.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên lạm dụng rượu, bia. Ngoài việc hạn chế uống rượu, việc ăn đầy đủ khi uống rượu cũng rất quan trọng, nên ăn đồ có nguồn gốc từ tinh bột. Trường hợp uống nhiều, mất khả năng kiểm soát thì cần phải dừng ngay lại, không nên uống thêm.

Để phòng tránh việc lạm dụng rượu và sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm:

- Đối với người tiêu dùng:

+ Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

+ Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol >0.1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

+ Không uống rượu khi: không biết đó là rượu gì, rượu không rõ nguồn gốc, rượu không có giấy chứng nhận lưu hành của cơ quan có thẩm quyền, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

+ Không uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

+ Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.

- Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu

+ Sử dụng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác để pha chế rượu. Không sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm hay nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu.

+ Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu (phân phối, bán buôn, bán lẻ) phải có giấy phép và tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh rượu...

+ Tuân thủ các quy định khác liên quan đến rượu, bia do Nhà nước ban hành.

Để chủ động phòng, tránh việc lạm dụng rượu và sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân cần đặc biệt lưu ý mua và sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có uy tín trên thị trường và bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi người cần tự giác điều chỉnh, không nên lạm dụng uống nhiều rượu bia và biết uống “có điểm dừng”, uống “có trách nhiệm”, không xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; đặc biệt, tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia.

Theo Đời sống
back to top