Các bác sĩ cấp cứu cho bệnh nhân
Đừng coi thường hóc xương cá
Bệnh nhân Vũ Thị Y, 80 tuổi, địa chỉ: Sóc Đăng, Đoan Hùng, Phú Thọ đến Trung tâm y tế huyện Đoan Hùng trong tình trạng lo lắng, đau ngực nhiều, đau xiên ra sau lưng, khó thở…
Theo như bệnh nhân kể lại, tối ngày hôm trước gia đình có làm món canh cá trong bữa cơm. Sau khi ăn cơm xong, bệnh nhân có uống 1 bát canh để “tráng miệng”, sau đó thấy vướng ở cổ họng và nuốt đau.
Ngày hôm sau khi tình trạng trở nên nặng hơn, bệnh nhân được người nhà đưa vào viện.
Kết quả nội soi họng, thực quản và chụp CT-Scanner lồng ngực cho thấy có dị vật dài khoảng gần 3cm, sắc cạnh đâm rất sâu vào thành thực quản gây chảy máu.
BS CKI. Hà Duy Tiến, Trưởng khoa Khám bệnh trực tiếp chỉ đạo ê kíp phẫu thuật tiến hành gây mê và thực hiện tiểu phẫu gắp dị vật qua nội soi.
Điều nguy hiểm là do mảnh xương cá cắm sâu vào thực quản, lại là xương giòn dễ gẫy. Nếu không may, một phần mảnh xương gẫy nằm trong niêm mạc thực quản sẽ gây áp xe thực quản, nguy cơ gây thủng thực quản.
Chỗ tổn thương lại gần động mạch chủ nếu không cẩn thận có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Với sự tỉ mỉ và chính xác, sau 20 phút, các bác sỹ đã gắp thành công dị vật là một mảnh xương cá dài 3cm từ thực quản bệnh nhân. Bệnh nhân sau đó tỉnh táo, hết đau ngực, khó thở và đã được ra viện ngay trong ngày.
BS Tiến khuyến cáo, qua đây, mọi người, đặc biệt là các cụ già và trẻ nhỏ nên chú ý cẩn thận khi ăn cá cũng như những động vật có xương nhỏ khác…
Khi bị hóc xương, mọi người cần chú ý:
– Dừng bữa ăn ngay lập tức.
– Không cố gắng chữa hóc xương bằng mẹo.
– Không cố nuốt thêm cơm hay thức ăn, có thể khiến xương vào sâu hơn.
– Đến bệnh viện để khám và gắp xương càng sớm àng tốt.
Đặc biệt, cần cẩn trọng khi ăn canh cá. Khi ăn, nên húp từng muỗng nhỏ. Khi húp, cần thận trọng lấy lưỡi lùa xương rồi nuốt từ từ.
Suýt thủng dạ dày vì nuốt phải tăm
Cũng tại TTYT huyện Đoan Hùng, mới đây đã cấp cứu cho bệnh nhân Phạm Trung Th, 33 tuổi, địa chỉ tại xã Vân Du.
Bệnh nhân kể lại hôm trước sau ăn cơm, khi xỉa răng thì nuốt phải cây tăm dài 4-6cm, tới đêm thì thấy đau bụng dữ dội.
Qua kết quả chụp X – quang và nội soi dạ dày cho thấy BN có dị vật dài 6cm cắm vào hang vị dạ dày, cắm ở 2 đầu. Trong quá trình nội soi bệnh nhân kích thích, nôn oẹ nhiều đã làm cây tăm chui xuống dưới hành tá tràng.
Nếu để cây tăm chui sâu hơn nữa sẽ nguy cơ gây thủng ruột hoặc đại tràng sẽ ảnh hưởng tới tính mạng.
Nhưng nếu chuyển tuyến trên ngay sẽ nguy hiểm do trên đường chuyển BN, cây tăm có nguy cơ sẽ chui sâu hơn, hậu quả khôn lường.
Trước tình huống khẩn cấp, BS. CKI. Hà Duy Tiến – Trưởng khoa Khám bệnh quyết định sẽ gây mê cho bệnh nhân và gắp dị vật tại chỗ.
Ngay sau đó, kíp thủ thuật gồm BS. Hà Duy Tiến, Trưởng kíp cùng các BS đã tiến hành thủ thuật gắp dị vật cho BN.
Ca gắp dị vật gặp nhiều khó khăn do dị vật ở sâu tại khúc 2 hành tá tràng, lại ngóc ngách. Tuy nhiên, sau khoảng 20 phút các bác sỹ đã gắp thành công dị vật là cây tăm dài 6cm từ tá tràng BN ra ngoài.
Sau 30 phút, BN tỉnh táo, bụng không còn đau, sức khỏe tốt.
BS Hà Duy Tiến cho biết, khi bệnh nhân bị dị vật đường thở, tại nhà có thể tiến hành sơ cấp cứu với hai tình huống là nạn nhân tỉnh và nạn nhân bất tỉnh.
Nạn nhân tỉnh: có thể để nạn nhân ở tư thế đứng hay tư thế ngồi trên ghế dựa, người cấp cứu đứng sau nạn nhân, hai cánh tay ôm vòng trước ngực nạn nhân. Một bàn tay nắm lại, bàn tay kia nắm lấy cổ tay của bàn tay nắm. Nắm tay để vào bụng nạn nhân trên rốn dưới xương ức.
Bằng một động tác giật đưa người từ dưới lên, nhằm đẩy cơ hoành tống không khí trong phổi, khí quản, phế quản, hy vọng dị vật bật lên miệng. Một động tác cần mạnh, dứt khoát, làm đi làm lại 10 lần. Cần theo dõi miệng nạn nhân, nếu dị vật xuất hiện thì nhanh chóng lấy ra.
Nạn nhân bất tỉnh: đặt nạn nhân ở tư thế nằm. Người cấp cứu quỳ trên người nạn nhân. Đặt bàn tay trên bụng nạn nhân, giữa rốn và xương ức, bàn tay kia đặt trên bàn tay này. Làm động tác đẩy mạnh và nhanh lên phía trên, làm đi làm lại 10 lần. Cần theo dõi miệng nạn nhân, nếu dị vật xuất hiện thì nhanh chóng lấy ra.
Mai Nguyễn