Nhận biết rối loạn kinh nguyệt bất thường ở vị thành niên

Rối loạn kinh nguyệt ở vị thành niên (VTN) nữ, nếu không phát hiện được các dấu hiệu bất thường hoặc các dấu hiệu liên quan đến thai nghén thường do nguyên nhân hoạt động của hệ thống trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng chưa hoàn chỉnh.

Kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường, biểu hiện là chảy máu ra ngoài âm đạo do bong niêm mạc tử cung. Kinh nguyệt có tính chất định kỳ hằng tháng, là kết quả của sự thay đổi nội tiết buồng trứng trong cơ thể.

Ở tuổi VTN kinh nguyệt có thể chưa đều trong khoảng 1 – 2 năm đầu do hoạt động của buồng trứng chưa ổn định. Cần theo dõi để đề phòng những bất thường.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/dau-bung1.jpg

Kinh nguyệt bình thường: Tuổi bắt đầu có kinh: từ 11 – 18 tuổi; Vòng kinh từ 22 – 35 ngày, trung bình là 28 – 30 ngày; Thời gian hành kinh từ 3 – 7 ngày; Lượng máu kinh  thay 3 – 5 lần băng vệ sinh mỗi ngày; Máu kinh màu đỏ tươi, không đông, có mùi hơi nồng, không tanh.

Kinh nguyệt không bình thường còn gọi là rối loạn kinh nguyệt: Vô kinh nguyên phát (quá 18 tuổi chưa hành kinh); Vô kinh thứ phát (quá 3 tháng chưa hành kinh nếu trước đó kinh rất đều và quá 6 tháng chưa hành kinh nếu trước đó kinh không đều);

Vô kinh giả (máu kinh vẫn có nhưng màng trinh kín hoặc cổ tử cung bị dính nên máu kinh không chảy ra ngoài, còn gọi là bế kinh); Rong kinh (hành kinh kéo dài trên 7 ngày); Kinh ít (lượng máu kinh ra rất ít); Kinh nhiều (lượng máu kinh nhiều hơn bình thường, trên 60ml trong cả kỳ kinh);

Kinh thưa (vòng kinh dài trên 35 ngày); Kinh mau (vòng kinh ngắn dưới 21 ngày); Băng kinh (máu kinh ra rất nhiều, trên 150 ml trong thời gian một vài ngày gây choáng váng, mệt mỏi đôi khi bị ngất xỉu); Rong huyết (ra máu không liên quan đến kỳ kinh); Thống kinh (đau bụng nhiều khi hành kinh, có thể bị mệt mỏi và ảnh hưởng sinh hoạt); Kinh sớm (có kinh trước 10 tuổi).

Các trường hợp rối loạn kinh nguyệt cần phải đi khám để được tư vấn điều trị. Cần theo dõi những trường hợp như kinh thưa, kinh mau, kinh ít chưa ảnh hưởng đến sức khỏe. Vô kinh có thể do rối loạn dinh dưỡng và tâm lý nên cần có cách khắc phục các vấn đề về dinh dưỡng hay giúp giải toả các vấn đề tâm lý.

Thuốc viên tránh thai kết hợp có thể giúp điều hòa chu kỳ kinh, giảm đau bụng khi hành kinh. Rong huyết hoặc ra máu bất thường có thể là do nhiễm khuẩn hoặc bất thường ở cổ tử cung. Khám và điều trị nếu có nhiễm khuẩn đường sinh sản cần làm phiến đồ âm đạo ở các cơ sở chuyên khoa.

ThS Đinh Tuấn Anh

(Vụ Sức khỏe Bà Mẹ & Trẻ em)

Theo Đời sống
back to top