Hỏi: Ông tôi mắc bệnh tim mạch, đã từng đột quỵ. Bà tôi mắc bệnh huyết áp. Bố tôi mắc bệnh huyết áp cao, không biết bệnh huyết áp, tim mạch có di truyền không? Làm thế nào để biết mình bị bệnh tim mạch?
Trần Văn Tuấn (Ba Vì, Hà Nội)
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tim mạch Việt Nam trả lời: Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở hai giới (nam và nữ) bất kể lứa tuổi, chủng tộc và bất kể có hay không có các yếu tố nguy cơ tim mạch khác kèm theo. Các nghiên cứu quan sát với các cá thể có mức huyết áp từ 115/75mmHg trở lên đã cho thấy, tỷ lệ chết do bệnh tim mạch gia tăng tỷ lệ thuận với tăng huyết áp. Y khoa đã kết luận các bất thường về gen có thể dẫn đến tăng huyết áp. Tăng huyết áp có thể mang tính di truyền. Tăng huyết áp lâu ngày sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý tim mạch.
Tuyệt đại đa số bệnh lý tim mạch thời gian đầu có diễn biến âm thầm, không có dấu hiệu để cảnh báo và ai cũng có thể mắc bệnh. Vì vậy không nên đợi có dấu hiệu bệnh lý rõ rồi mới tới cơ sở y tế để khám. Nếu trong gia đình có nhiều người mắc bệnh lý tim mạch, huyết áp, bản thân cần phải chú ý khám sức khỏe định kỳ và sàng lọc bệnh.
Cách đơn giản là đo huyết áp, xét nghiệm máu vì bệnh huyết áp thường không có dấu hiệu đặc hiệu…Một khi đã bị biến chứng bệnh tim mạch, một số dấu hiệu kinh điển gợi ý người bệnh có thể bị bệnh tim mạch là: khó thở khi gắng sức, đau thắt ngực, hồi hộp, trống ngực, phù chân…Ngoài ra có thể nhận thấy các biểu hiện khác như chân tay yếu đi, đi cách hồi hoặc mệt đột ngột không có lý do, đau đầu, chóng mặt…Khi có những dấu hiệu này người bệnh cần phải đến viện khám ngay.
PV ghi