Sốc phản vệ đến từ những nguyên nhân rất đơn giản như gây tê nhổ một chiếc răng số 8, sau tiêm vacxin, cắt mí mắt, tẩy nốt ruồi, nhuộm tóc…
Dưới đây GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, Trưởng khoa gây mê hồi sức và chống đau, BV ĐH Y Hà Nội sẽ cho chúng ta biết, tại sao có những thứ tưởng chừng rất đơn giản, vô hại trong cuộc sống cũng có thể đưa đến sốc phản vệ.
GS. TS Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, Trưởng khoa gây mê hồi sức và chống đau, BV ĐH Y Hà Nội.
Một số trường hợp dự đoán được sốc phản vệ
PV: Xin giáo sư cho biết, sốc phản vệ thường xảy ra trong hoàn cảnh nào, có thường gặp trong phẫu thuật không và nó tác động lên cơ thể như thế nào?
GS.TS Nguyễn Hữu Tú: Sốc phản vệ có thể xảy ra ở bất cứ hoàn cảnh nào, do tiếp xúc ngoài da hoặc hít phải, do côn trùng cắn, do thuốc…đặc biệt trong môi trường bệnh viện khi dùng thuốc tiêm.
Khi tiêm trực tiếp cho bệnh nhân một lượng thuốc lớn thì phản ứng phản vệ xảy ra nhanh và rất nặng trong khi tác nhân gây phản vệ tiếp xúc qua da, đường thở thì biểu hiện của sốc phản vệ chậm hơn, ít nguy kịch hơn, diễn biến từ từ hơn.
Sốc phản vệ hay xảy ra khi bệnh nhân phải phẫu thuật, phải gây mê. Tỷ lệ sốc phản vệ trong gây mê giao động 1-2/10000 bệnh nhân với tỷ lệ tử vong 2-6%.
Tất cả các thuốc dùng trong cuộc mổ cho bệnh nhân đều có nguy cơ gây phản vệ từ nhẹ đến nặng, đó là thuốc gây mê, giãn cơ, giảm đau, kháng sinh…
Trung bình trong một cuộc mổ phải dùng 5 loại thuốc, có trường hợp phải dùng nhiều hơn và tất cả các thuốc đều có nguy cơ gây phản vệ.
Sốc phản vệ sẽ rất nặng khi tiêm trực tiếp thuốc vào tĩnh mạch, nếu cấp cứu không kịp thời có thể không cứu được bệnh nhân.
Sốc phản vệ gây rối loạn nhiều hệ thống cơ quan của người bệnh như đường thở, phổi, tim, mạch máu, tiêu hóa…biểu hiện rầm rộ thường gặp là tình trạng suy hô hấp và suy tuần hoàn nặng.
-Tại sao có những thứ tưởng chừng vô hại như thức ăn, nước uống, không khí…cũng có thể gây sốc?
Có nhiều người có tiền sử dị ứng với thức ăn, bụi phấn hoa, mùi hóa chất… là những người mẫn cảm dễ có phản vệ với nhiều chất khác.
Những người này nếu vào bệnh viện và dùng thuốc thì nguy cơ phản vệ cũng cao hơn người khác.
Tuy nhiên, những người không có phản ứng dị ứng thông thường hàng ngày vẫn có thể bị sốc phản vệ khi tiếp xúc lần đầu với các hóa chất, thuốc…
Nguyên nhân là do có nhiều cơ chế khác nhau của phản vệ; có thể cần hoặc không việc hình thành trước kháng thể (IgE) trong cơ thể.
Những người có tiền sử dị ứng cần phải thận trọng hơn nhiều trong sinh hoạt, làm việc, khi phải tiếp xúc với các chất gây phản vệ, đặc biệt khi được dùng thuốc, được can thiệp gây mê, mổ xẻ tại bệnh viện…
-Có cách nào xét nghiệm để biết trước được và phòng sốc phản vệ hay không, thưa giáo sư?
Nếu đi xét nghiệm, thử các test dị ứng mỗi chúng ta biết trước được một số dị nguyên có nguy cơ gây phản vệ và có thể chủ động phòng tránh.
Hiện nay trung tâm Dị ứng miễn dịch, BV Bạch Mai có thể thử được hàng chục dị nguyên như lông chó, mèo, bụi phấn hoa, hải sản, tôm cua…
Tuy nhiên, đối với thuốc, do có hàng ngàn loại thuốc, liều lượng sử dụng cũng khác nhau nên sẽ không thể thử hết được.
Ngoài ra có những thứ không phải là thuốc như đồ dùng y tế, mát thở ôxy, các dụng cụ y tế bằng latex, nước sát trùng… cũng có thể khiến bệnh nhân bị sốc phản vệ.
Vì vậy, trong bệnh viện không phải trường hợp nào cũng dự báo được sốc phản vệ.
Sốc trong phẫu thuật thẩm mỹ
-Hiện nay các phẫu thuật thẩm mỹ như cắt mí, nâng ngực, bơm môi… được chị em ưa chuộng, trong các loại phẫu thuật này cái nào dễ dẫn đến sốc phản vệ nhất? Cần làm gì để giảm thiểu nguy cơ sốc?
Tất cả các phẫu thuật dù nhỏ nhưng dùng thuốc, hóa chất, dụng cụ y tế đều có nguy cơ sốc phản vệ. Các thuốc gây tê, thuốc giảm đau thông thường cũng có thể có nguy cơ này.
Đối với bác sĩ cần thăm khám và hỏi kỹ tiền sử bệnh nhân trước phẫu thuật để biết được tối đa nguyên nhân gây phản vệ, từ đó phòng tránh các nguy cơ và chuẩn bị các biện pháp xử trí.
Một số thuốc dự phòng dùng trước can thiệp sẽ làm phản vệ nhẹ đi nếu có xảy ra. Nếu biết trước bệnh nhân có nguy cơ phản vệ thì phải có chuẩn bị tối đa để kịp thời xử trí nếu sốc phản vệ xảy ra.
Một ca mổ dù nhỏ, ngoài bác sĩ phẫu thuật phải có bác sĩ gây mê hồi sức để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân trong lúc phẫu thuật.
Vì người gây mê hồi sức sẽ phát hiện và xử trí tốt nhất các tai biến trong gây mê và phẫu thuật như suy hô hấp, ngộ độc thuốc tê, sốc phản vệ…
-Xin cảm ơn giáo sư.
Khánh Thủy thực hiện