Theo bác sĩ Bùi Thế Dũng – Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược (TP.HCM) thì suy tim là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau như bệnh lý van tim, cơ tim, màng ngoài tim, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh tuyến giáp... Trong đó, nguyên nhân gây suy tim phổ biến nhất là bệnh lý mạch vành, chiếm tỷ lệ trên 50%.
Tại Việt Nam ước tính hiện có khoảng 1,6 triệu người bệnh suy tim. Mặc dù hiện có rất nhiều tiến bộ trong điều trị, tỷ lệ tử vong do suy tim vẫn còn rất cao. Khoảng 50% người bệnh suy tim sẽ tử vong sau 5 năm. Mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong vì căn bệnh này.
“Như vậy, tỷ lệ tỷ vong do suy tim còn cao hơn nhiều so với một số loại ung thư”, bác sĩ Dũng nói.
Các chuyên gia cho rằng suy tim, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm nguyên nhân thì có thể khỏi bệnh hoàn toàn trong một số trường hợp. Các phương pháp điều trị suy tim hiện tại bao gồm: chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, dùng thuốc, can thiệp nội mạch, đặt các thiết bị hỗ trợ tim, phẫu thuật tim và ghép tim.
Tuy nhiên yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị là việc người bệnh thay đổi lối sống lành mạnh hơn. Đây là điều người bệnh suy tim bắt buộc phải thực hiện, bên cạnh các phương pháp y học. Xây dựng lối sống lành mạnh bao gồm việc không hút thuốc, hạn chế chất cồn và caffein, giảm lượng muối trong bữa ăn, tránh các thực phẩm chứa nhiều muối, thức ăn chế biến sẵn (nước mắm, tương, cá khô,….) và thức ăn béo, nhiều dầu mỡ, thường xuyên tập thể dục… nhằm ổn định huyết áp, đường huyết, tăng cường sức khỏe tim mạch.
Bên cạnh đó, người bệnh suy tim cần được đánh giá toàn diện và thiết lập chương trình quản lý, chăm sóc lâu dài. Có như vậy, người bệnh mới có thể tăng cường chất lượng sức khỏe, cuộc sống và gia tăng tuổi thọ.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định – Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết hiện nay, các bệnh lý tim mạch có thể được điều trị bằng thuốc, thực hiện phương pháp can thiệp và đặt các dụng cụ hỗ trợ hoặc phẫu thuật tim. Trong đó, phẫu thuật nội soi là phương pháp tiên tiến và chiếm 80% trên tổng số các trường hợp phẫu thuật tim ở các nước phát triển. Phương pháp này có thể áp dụng điều trị cho nhiều bệnh lý tim mạch như: phẫu thuật sửa chữa hoặc thay van 2 lá, van động mạch chủ, phẫu thuật điều trị hẹp động mạch vành, phẫu thuật tim bẩm sinh thông liên nhĩ, thông liên thất, cắt khối u nhầy trong tim.
“Nếu so với phương pháp mổ hở truyền thống thì phương pháp mổ tim nội soi có những ưu điểm vượt trội như giúp người bệnh tránh phải cưa xương ức, sẹo mổ nhỏ và thẩm mỹ, giảm mất máu, giảm thời gian thở máy sau mổ, quá trình phục hồi nhẹ nhàng, thời gian phục hồi nhanh. Phẫu thuật nội soi tim đặc biệt có lợi với những trường hợp mổ lại. Cụ thể, với người bệnh đã được thay van hai lá nhân tạo trước đây, sau thời gian 10 - 15 năm van tim bị hư, cần phẫu thuật thay van tim mới. Việc thực hiện cùng đường mổ ở lần mổ sau sẽ rất khó khăn và nguy hiểm vì các mô bên dưới bị dính chặt sau cuộc mổ đầu tiên. Với phẫu thuật nội soi tim, bác sĩ có thêm một cách tiếp cận tim khác ngoài đường mổ dọc xương ức”, bác sĩ Định chia sẻ.