Thú lạ với sách độc
Ngôi nhà nhỏ của họa sĩ Nguyễn Thành Đàm nằm sâu trong một con phố nhỏ tĩnh mịch ở đường Lý Thường Kiệt – Hà Nội. Trong ngôi nhà nhỏ ấy, có một tủ sách rất to. Trong tủ sách rất to ấy là bát ngát những cuốn sách siêu nhỏ.
Ông Đàm bảo: “Sách tuy rất nhỏ nhưng tri thức chứa đựng trong ấy lại rất lớn. Chưa bao giờ tôi đo đếm giá trị của đồng tiền đối với sách, nhưng số sách ấy nếu quy ra tiền thì cũng bằng đúng ngôi nhà mà tôi đang ở”.
Cuốn sách siêu nhỏ viết về Lê Nin
Thú vui này của ông Đàm bắt đầu được thực hiện từ năm 1970, khi ông sang Liên Xô học khoa trình bày sách báo. Tuy nhiên, ngay từ khi còn học cấp III, cậu thiếu niên Nguyễn Thành Đàm đã có những mơ ước không giống ai là sở hữu một tủ sách mini.
Tại Liên Xô, ông Đàm đã đi khắp các thư viện tìm cho mình những cuốn sách nhỏ. Nhưng du học sinh như ông thời bấy giờ làm gì có tiền để sở hữu những cuốn sách giá trị: “Có một sự thật là sách càng nhỏ thì giá càng đắt. Chúng tôi không mấy khi quy vật phẩm ra tiền, mà quy giá trị ra bằng cái “bàn là Liên Xô”. Cuốn sách mini đầu tiên tôi mua được chỉ rộng 3,5x5cm có giá trị bằng 3 cái bàn là, tức khoảng 15 Rúp”.
Ông Đàm và cuốn sách cổ của Đức xuất bản năm 1886
Ở Liên Xô gần chục năm trời, đi đến đâu ông Đàm cũng lân la dò hỏi về những cuốn sách siêu nhỏ. Những người bạn Liên Xô rất tốt, biết thú vui của ông nên có khi họ tặng luôn trọn bộ sách nhỏ cho ông. Đó là những món quà vô giá mà ông có được. Ngày về nước, tài sản ông Đàm mang theo chỉ là những cuốn sách lạ lùng độc đáo mà Việt Nam chưa từng có.
Cuốn sách “còn nguyên vân tay” của Bác Hồ
Trong tủ sách quý ở nhà họa sĩ Nguyễn Thành Đàm, có rất nhiều cuốn sách cổ xưa của các nước trong khối Liên Xô cũ, thậm chí có cả sách cổ của Ai Cập, Lào, Thái… Nhưng ông Đàm vẫn tự hào nhất về cuốn sách “Lịch sử nước ta” còn nguyên dấu vân tay của Bác Hồ.
Đó là cuốn sách chỉ với một tập giấy dó bóc 2 lớp mỏng dính, khổ 9x15cm. Với chỉ 14 trang khiêm tốn nhưng Bác đã tường thuật cả tiến trình hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời Hồng Bàng đến khi có cách mạng.
Cuốn sách do Bác Hồ viết và tự tay Bác in ấn tại Cao Bằng năm 1942
“Mỗi triều đại, Bác chỉ dùng vài ba câu thơ nhưng đã lột tả hết được cả quá trình hào hùng. Sự độc đáo còn ở chỗ khi xuất bản cuốn sách này, Bác Hồ vừa là tác giả vừa là biên tập viên, vừa là người trình bày, vừa là họa sĩ minh họa, đồng thời lại là thợ in và sửa morasse”, ông Đàm chia sẻ.
Nhìn vào cuốn sách đầy những tinh túy ấy, ông Đàm mới giải thích là được chính tay Bác Hồ in bằng thạch bản tháng 2/1942. Đó là phương pháp in cổ truyền bằng cách phủ lớp rượu lên phiến đá nhẵn. Sau đó viết văn bản lên mặt giấy rồi ép mặt chữ xuống đá để mực chữ ngấm vào mặt đá. Tờ giấy ấy được bóc đi, muốn nhân nhiều bản thì dùng giấy trắng là theo giống như người ta in tranh Đông Hồ.
Cuốn sách “bay” lên vũ trụ
Không chỉ sưu tầm được những cuốn sách mini độc lạ. Ông Đàm còn là họa sĩ thiết kế bìa sách tài tình. Vào năm 1980, để chuẩn bị hành trang cho anh hùng Phạm Tuân bay lên vũ trụ trong chương trình Interkosmos của Liên Xô. Nhà nước đã giao cho ông Đàm nhiệm vụ hoàn thành 3 cuốn sách mỏng gồm: Hịch tướng sỹ; Đại cáo bình ngô và Tuyên ngôn độc lập.
Sách lá của Lào
“Đây là nhiệm vụ khó vì lúc ấy in ấn khó khăn. Sách yêu cầu phải mỏng, bền và đẹp. Tôi mới lên làng Bưởi mua giấy dó bóc 4 để in thì chữ mới không bị hằn sang mặt trang. Phải mất 4 tháng mới hoàn thành được 3 cuốn sách đó để mang sang Liên Xô”, ông Đàm cho hay.
Sau khi sứ quán của ta ở Liên Xô nhận được 3 cuốn sách do ông Đàm gửi sang mới nhanh chóng đưa cho Phạm Tuân. Tuy nhiên, vì đảm bảo an toàn nên chỉ có cuốn “Tuyên ngôn độc lập” được phi hành đoàn cho phép Phạm Tuân đem theo vào vũ trụ.
Cuốn sách ấy được Phạm Tuân ghi chú cẩn thận ở bìa trong là: Tàu bay lúc 1 giờ 33 phút ngày 24/7/1980. Ngày 31/7 Phạm Tuân trở về trái đất, các phóng viên nước ngoài rất tò mò phỏng vấn về cuốn sách ấy. Sự bất ngờ lúc này mới vỡ òa khi cuốn sách vẫn còn nguyên chữ trong khi các vật liệu khác hầu như bị phai nhòa. Đó cũng là dịp quảng bá sách Việt và nguyên liệu giấy dó ra với thế giới. Đó cũng là cuốn sách mini đầu tiên và duy nhất của nước ta “bay” vào vũ trụ.
Sách nhỏ – Tri thức lớn
Theo tiết lộ của ông Đàm, hiện nay trong tủ sách của ông đã lên tới 500 cuốn sách siêu nhỏ. Có những cuốn chỉ khiêm tốn như hộp diêm nhưng dày tới vài trăm trang. Những cuốn sách ấy hầu hết được thiết kế rất tỉ mỉ và tập hợp được nhiều tri thức của nhân loại, từ chính trị, kinh tế, văn hóa đến thiên văn, hội họa.
Theo ông Đàm, sách tuy nhỏ nhưng tri thức lớn
Trong số sách siêu nhỏ mà ông Đàm có được, nhiều cuốn ông phải nhịn ăn để mua, nhưng cũng có những cuốn vì duyên phận mà có. Như cuốn viết về Lê Nin nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh chỉ phát hành 100 cuốn để tặng cho các nguyên thủ quốc gia hoặc khách đặc biệt.
Vậy mà ông Đàm vẫn có được cuốn sách quý ấy do một học trò trường Đại học Bách khoa tặng lại. Thậm chí, có cuốn sách ông được tặng còn mạ vàng rất công phu và đẹp mắt. Mới đây nhất, ông Đàm còn được nhà sử học Dương Trung Quốc gọi điện ngỏ ý tặng lại 2 cuốn sách mini mà trong một chuyến công tác nước ngoài ông Quốc được tặng.
“Đã có lần người nước ngoài đến tham quan tủ sách mini của tôi và ngỏ ý muốn mua dù giá cao đến đâu chăng nữa. Nhưng tôi không bán vì đó là tri thức, nếu bán tri thức đi thì không còn gì để nói nữa rồi. Hơn nữa, những cuốn sách mini vốn đã rất hiếm, mà để sưu tầm lại những cuốn cổ thì còn khó hơn”, ông Đàm cho biết.
“Năm 1982, tôi có đi dự hội thảo về sách ở Đức và UNESCO đã ra tiêu chuẩn về sách mini: Chiều ngang nhỏ hơn 8cm. Bây giờ tôi có rất nhiều loại sách mini lạ như hình đèn lồng, hình quả trứng nở ra con gà, sách bật lửa. Dựa vào sách mini, chúng ta có thể biết được công nghệ và sự tiến bộ về nghề in của mỗi quốc gia”, họa sĩ Nguyễn Thành Đàm.
Trần Hòa