Người lớn không tiêm lại văcxin dễ mắc bạch hầu

(khoahocdoisong.vn) - Dịch bạch hầu năm nay là chủ yếu gặp ở trẻ chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, phần lớn ở trẻ lớn, và người lớn. Nguyên nhân là do ở nước ta việc tiêm chủng bạch hầu cho người lớn chưa phổ biến. 

Viêm cơ tim do mắc bạch hầu, có thể tử vong đến 70 - 80%

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận một ca bạch hầu 13 tuổi, bé trai G.A.P., dân tộc H'Mông, ngụ tỉnh Đăk Nông. Trước đó, bệnh nhi nhập viện tại bệnh viện địa phương ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh bạch hầu và đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên trong tình trạng sốt, ho, đau họng, cổ bạnh, khó thở thanh quản, nhiễm độc nhiễm trùng nặng.

Khai thác bệnh sử, gia đình cho biết, bệnh nhi chưa được tiêm phòng văcxin trước đây. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc hạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp kéo dài, ngày càng nguy kịch. Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã lập tức chuyển bệnh nhi xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Theo TS.BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Khoa Hồi sức Cấp cứu Trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, bệnh nhi đã được đặt máy tạo nhịp tim cùng các biện pháp hỗ trợ tình trạng suy tim bao gồm nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, hỗ trợ hô hấp tích cực, tránh gắng sức, sử dụng các thuốc trợ tim… Tình trạng bệnh nhi liên tục chuyển biến xấu, viêm cơ tim nặng hơn, suy tim, men tim tăng gấp 20 - 30 lần so với bình thường… Bệnh viện đã điều trị hỗ trợ tích cực tim mạch, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch chờ phục hồi. Tuy nhiên, bệnh nhi không qua khỏi.

Đây là bệnh nhi thứ hai đã tử vong do bạch hầu của Đăk Nông trong 13 ngày qua. Trước đó, một bệnh nhi 9 tuổi khác cũng đã tử vong vào ngày 20/6 sau 2 giờ chuyển từ tỉnh Đăk Nông xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. Theo TS.BS Phan Tứ Quí, với trường hợp bệnh bạch hầu biến chứng nặng, tổn thương nhiều như bệnh nhi G.A.P., nguy cơ tử vong đến 70 - 80%.

Từ đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Kon Tum ghi nhận rải rác 23 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu tại huyện Đăk Hà, Đăk Tô và Sa Thầy, riêng từ ngày 27/6 - 2/7/2020 đã có 14 trường hợp tại xã Diên Bình (Đăk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy), các trường hợp đều là người đồng bào dân tộc. Còn từ đầu tháng 6/2020 đến những ngày đầu tháng 7/2020, Đăk Nông cũng đã ghi nhận 12 trường hợp (tại huyện Krông Nô và huyện Đăk Glong).

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bạch hầu là bệnh lây lan mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong, thuộc nhóm B trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm văcxin.

Bệnh bạch hầu có thể dự phòng được bằng tiêm văcxin.

Người lớn không tiêm lại văcxin dễ mắc bệnh

TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng văn phòng Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, điểm khác biệt của dịch bạch hầu năm nay là chủ yếu gặp ở trẻ chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, phần lớn ở trẻ lớn, và người lớn. Nguyên nhân là do ở nước ta việc tiêm chủng bạch hầu cho người lớn chưa phổ biến. Một nghiên cứu khảo sát tại Hải Dương ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (18 - 25) cho thấy trên 90% không còn kháng thể bạch hầu và trẻ sinh ra ở các bà mẹ này sẽ không còn kháng thể.

Bệnh bạch hầu có rất nhiều biến chứng trong đó có biến chứng nguy hiểm nhất là viêm cơ tim và tổn thương hệ thống thần kinh, viêm dây thần kinh.... Vì thế, phát hiện sớm, điều trị kịp thời là khâu đặc biệt quan trọng để hạn chế nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, hiện nay việc phát hiện sớm bệnh bạch hầu khá khó khăn do những ca bạch hầu khi khởi phát thường không sốt. Người mắc bệnh thường chủ quan, người thân cũng khó nhận biết, phát hiện để chuyển tới bệnh viện. Khi các dấu hiệu đau họng, chưa có biểu hiện sốt bị bỏ qua bệnh nhân sẽ rơi vào giai đoạn nặng, vi khuẩn gây bệnh tiết ra độc tố tấn công cơ thể khiến các bác sĩ trở tay không kịp. Nguy hiểm nhất là người bệnh mắc bạch hầu thể tối cấp thì có thể tử vong chỉ trong thời gian 24-48 tiếng.

Hiện tổ chức Y tế khuyến cáo, để phòng chống bạch hầu ít nhất phải tiêm đủ ít nhất 6 mũi: Duy trì tỷ lệ tiêm văcxin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi (3 mũi) và tiêm văcxin DPT cho trẻ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên; tiêm nhắc văcxin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván trong những độ tuổi như 4 - 7 tuổi, 9 - 12 tuổi và mỗi 10 năm một lần sau liều tiêm cuối cùng. Trong trường hợp không nhớ đã được tiêm hay chưa thì vẫn có thể tiêm văcxin.

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top