Viêm họng bạch hầu ác tính dễ chết trong vòng 6 đến 8 ngày

(khoahocdoisong.vn) - Viêm họng bạch hầu ác tính có thể xuất hiện ngay khi mới phát hoặc sau thể bạch hầu thông thường. Bệnh nhân có thể đái ra máu hoặc xuất huyết dưới da và thường chết trong vòng 6 – 8 ngày do tổn thương ở gan, ở thận hoặc tim. Một số chết vì biến chứng: yết hầu, phế quản, phế viêm.

Bệnh bạch hầu có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ con từ 1 – 7 tuổi hay mắc hơn người lớn, kể cả trẻ đã tiêm phòng bạch hầu cũng có thể bị lại, nhưng thường là nhẹ. Vi trùng gây bệnh là trực trùng Klebs – Loeffler mà người ta phân ra làm 3 loại: Trực trùng dài: chiều dài gấp sáu lần chiều ngang, xếp từng đống ngổn ngang mà người ta thấy trong thể bệnh nặng; Trực trùng trung bình xếp thành hàng rào song song và được gặp trong thể thông thường; Trực trùng ngắn, chiều dài bằng hai chiều ngang xếp thành chữ M, N hay loại L. Loại này ít gây ra bệnh và dễ nhầm với trực trùng giả bạch hầu Hoffmann.

Về mặt lâm sàng có hai thể bạch hầu: Thể thông thường và thể độc tính.

Bạch hầu thông thường: Bệnh bắt đầu một cách trầm lặng. Trẻ thường mệt, biếng chơi, hơi ngạt mũi, hơi rát họng, sốt 38OC, mạch nhanh, da mặt xanh nhạt. Xem họng thấy niêm mạc đỏ. Sau 24 giờ giả mạc xuất hiện ở amydan. Thoạt tiên nó giống như một vết sơn trắng nhỏ, dần dần nó rộng ra, che phủ amydan, lan sang các trụ đến lưỡi gà, màn hầu. Đôi khi giả mạc lên đến vòm mũi họng và phát triển ra lỗ mũi trước.

Đặc điểm của giả mạc bạch hầu: màu trắng ngà hoặc xám tro, bám vào niêm mạc, khi bóc rớm máu, tái phát rất nhanh, không tan trong nước, chứa đựng nhiều vi trùng Klebs-loeffler. Có một thể không có giả mạc ở họng mồm, mà chỉ có niêm mạc đỏ gọi là thể đỏ, trong đó các triệu chứng toàn thân, nhất là da mặt xanh nhạt, mạch nhanh, yếu và hạch cổ to làm chúng ta nghi ngờ và quệt họng làm xét nghiệm. Với thể này nếu được điều trị đúng, bệnh thường khỏi trong vòng 5 – 6 ngày: giả mạc thu lại dần và rụng hết. Nếu không điều trị, bệnh đôi khi cũng tự khỏi được, nhưng thường hay lan rộng ra, biến diễn kéo dài và để lại một số biến chứng: khó thở, liệt màn hầu, viêm cơ tim. Bệnh có khả năng tái phát: Khi nhiệt độ đã xuống, giả mạc đã tan, người bệnh vẫn còn mệt và xanh. Ít hôm sau nhiệt độ lên trở lại, giả mạc xuất hiện lần thứ hai và bệnh có thể chuyển sang thể ác tính.

Bạch hầu ác tính: thường xuất hiện ngay lúc đầu khi bệnh mới phát, nhưng một đôi khi bệnh xuất hiện sau thể bạch hầu thông thường. Bệnh bắt đầu một cách ồ ạt: nhiệt độ cao, người mệt lả, da mặt tái xanh. Bệnh nhân đau họng không nuốt được và kêu đau bụng (do thiểu năng thượng thận), đôi khi có phát ban ngoài da. Đầu tiên niêm mạc họng đỏ rực, sau đó giả mạc xuất hiện. Giả mạc màu nâu dày cộm, có mùi thối. Niêm mạc chung quanh sưng đỏ và dễ chảy máu. Bệnh nhân ngạt mũi và ở mũi chảy ra một chất đục lỏng, thối. Cửa mũi trước bị loét. Cổ sưng to và bạch ra do viêm hạch và viêm chung quanh hạch.

 Triệu chứng toàn thân rất xấu: bộ mặt nhiễm độc xám xịt, mắt có quầng, lưỡi và môi khô đen, cánh mũi phập phồng, tứ chi lạnh, móng tay tím. Nhiệt độ có thể lên 40oC hoặc ở dưới 37oC. Mạch nhanh yếu nhỏ như sợi chỉ. Urê máu lên cao, huyết áp hạ thấp. Bệnh nhân có thể đái ra máu hoặc xuất huyết dưới da. Bệnh nhân thường chết trong vòng 6 – 8 ngày do thương tổn ở gan, ở thận, ở thượng thận hoặc ở tim với triệu chứng lịm dần, co giật hoặc ngất. Một số bệnh nhân chết vì biến chứng: yết hầu, phế quản phế viêm.

ThS Trần Anh (Bệnh viện K)   

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top