TS Bùi Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu VinAI Research. |
Người xây dựng lực lượng nòng cốt AI Việt Nam
Ngày 17/4/2019, Tập đoàn Vingroup công bố thành lập VinAI (Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI - VinAI Research). Viện sẽ thực hiện các nghiên cứu khoa học đột phá trong lĩnh vực AI và máy học mang tầm cỡ hàng đầu thế giới nhằm đưa Việt Nam vào bản đồ AI toàn cầu. TS Bùi Hải Hưng nhận nhiệm vụ Viện trưởng VinAI - chịu trách nhiệm “lĩnh ấn tiên phong” mở lối. 2 tháng trước đấy, TS Bùi Hải Hưng là chuyên gia nghiên cứu cao cấp về AI tại Viện Nghiên cứu Stanford, Google DeepMind với hơn 16 năm kinh nghiệm làm việc ở Silicon Valley (Mỹ). Thời điểm đó, quyết định từ bỏ vị trí cấp cao ở Silicon Valley (Mỹ) để về Việt Nam, TS Bùi Hải Hưng đã khiến nhiều người vô cùng sửng sốt.
TS Bùi Hải Hưng sinh năm 1973, sinh viên Khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu học trò Bùi Hải Hưng đã đạt rất nhiều giải toán Quốc gia và Quốc tế, cùng dự thi Olympic Toán quốc tế với GS Ngô Bảo Châu và giành Huy chương Bạc năm 1989. Năm 1991, ông giành học bổng cho học sinh Việt Nam duy nhất đoạt giải Quốc tế tại Đại học Curtin (Úc). Tốt nghiệp đại học, ông được đặc cách không qua Cao học, lấy luôn bằng Tiến sĩ năm 1998 khi mới 25 tuổi.
|
Sau tốt nghiệp, ông làm giảng viên tại Trường Đại học Curtin, giảng dạy các môn Trí tuệ nhân tạo, Toán học rời rạc, Giao tiếp máy tính ở cấp đại học, các chủ đề nâng cao trong trí tuệ nhân tạo. Quyết định sang Mỹ làm việc đã giúp ông có cơ hội thâm nhập vào quá trình nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo trong suốt 16 năm tại "thánh đường công nghệ" Silicon Valley
Trong hơn 9 năm tiếp theo, từ tháng 10/2003 - 11/2012, ông Hưng làm nghiên cứu viên tại Trung tâm AI - Viện Nghiên Cứu Đại học Stanford (Hoa Kỳ). Giai đoạn này, ông là người nghiên cứu chính trong chương trình nhận dạng hoạt động cấp cao từ video của DARPA (Cơ quan dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến). Ông là người chỉ đạo về kỹ thuật trong suy luận xác suất, dự án học máy của DARPA.
Sau dự án DARPA, ông lãnh đạo một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều trường đại học hàng đầu của thế giới (Stanford, MIT, Berkeley) nghiên cứu phát triển công nghệ nhận diện hành vi của con người, trực thuộc dự án CALO, dự án về AI lớn nhất tính đến thời điểm đó và là dự án đã sản sinh ra công nghệ trợ lý ảo đầu tiên Siri trong Apple iPhone.
Từ 2012 - 2014, TS Bùi Hải Hưng nghiên cứu thí nghiệm hiểu ngôn ngữ tự nhiên tại San Francisco rồi chuyển sang làm việc tại Adobe Research với vị trí Chuyên gia máy học. Tháng 1/2018, ông bắt đầu làm việc trong một đơn vị dẫn đầu thế giới về công nghệ AI là Google DeepMind. Tại đây, ông được giao vị trí nghiên cứu cấp cao và được đánh giá là nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo tại Google. Ông có gần 100 công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí chuyên môn và hơn 10 bằng sáng chế về công nghệ được đánh giá tại Mỹ.
Rời vị trí nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, TS Bùi Hải Hưng gia nhập Tập đoàn Vingroup với vị trí Viện trưởng VinAI. Mục tiêu VinAI ra đời nhằm góp phần để Việt Nam không còn là vùng trắng về trí tuệ nhân tạo. Thời điểm đầu về nước đặt nền móng cho VinAI Research, ngày nào ông cũng làm việc tới 4h sáng. Bù lại, thông tin TS Bùi Hải Hưng “giương ngọn cờ” tập hợp lực lượng nhà khoa học AI hàng đầu thế giới về Việt Nam đã có sự lan tỏa nhất định trong giới khoa học.
Hướng tới đỉnh cao thế giới
Sở hữu nền tảng tốt về Toán học, Việt Nam được đánh giá có đầy đủ tiềm năng để có thể cạnh tranh với các nước phát triển mạnh về AI trong khu vực như Singapore, Nhật Bản hay Hàn Quốc nếu được đầu tư đúng và đủ. Nhưng để những nhân sự xuất sắc từ bỏ môi trường Silicon Valley về Việt Nam là không đơn giản. TS Bùi Hải Hưng đã có nhiều đêm trắng bởi nếu VinAI ở nước ngoài thì việc “set up” rất thuận lợi, tìm nhân sự cũng dễ dàng hơn rất nhiều so với tại Việt Nam.
Gây dựng từ con số 0 tại Việt Nam, đến nay VinAI đã tập hợp được một đội ngũ những nhà khoa học thế giới về Việt Nam. Viện hướng đến một môi trường làm việc không kém hơn so với các Lab hàng đầu ở Silicon Valley để mọi người đến làm việc ở đây cũng tự hào. TS Bùi Hải Hưng cho biết, VinAI hướng tới đỉnh cao thế giới nên đặt tiêu chuẩn rất cao về tuyển dụng nhân sự.
Với một lực lượng nòng cốt về trí tuệ nhân tạo là các giáo sư hàng đầu từ Mỹ về, VinAI hướng tới những đỉnh cao quốc tế. Tức là bắt đầu từ cái thế giới đang có nhưng phải nâng cao, tốt hơn so với hiện tại đang có trên thế giới, chạy đua với những đối thủ hàng đầu thế giới. Đến nay, VinAI đã trở thành ngôi sao đang lên trên bản đồ AI với hơn 20 công trình nghiên cứu tại các hội thảo AI hàng đầu thế giới. Nhiều nghiên cứu đã triển khai vào thực tiễn như phát triển trí tuệ nhân tạo cho các dòng xe ô tô điện thông minh; lắp siêu máy tính DGX SuperPOD; nhận diện mặt sử dụng khẩu trang...
Công nghệ nhận diện không cần bỏ khẩu trang để nhận diện đơn giản nhanh chóng là một ví dụ. Công nghệ nhận diện đã được phát triển khắp thế giới nhưng nhận diện mặt sử dụng khẩu trang thì chưa, ngay cả các hãng lớn như Google, Apple đều chưa tiến hành thương mại hóa thành công. Điểm ưu việt của công nghệ này do VinAI sáng chế là sử dụng thuật toán và công nghệ nhận diện cho hiệu quả ổn định, độ chính xác cao hơn hẳn các công nghệ hiện tại trên thế giới.
“Nhận diện khuôn mặt là một phần của xu hướng contactless (giao tiếp không chạm), xu hướng của tương lai do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thói quen người sử dụng. Trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp như hiện nay, VinAI sẵn sàng cung cấp công nghệ nhận diện này cho các đối tác vì mục đích phục vụ y tế cộng đồng giúp các công sở, tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo kiểm soát chính xác và tiết kiệm thao tác” - TS Bùi Hải Hưng cho biết.
TS Bùi Hải Hưng trao đổi hướng dẫn thực tập sinh. |
Là người gây dựng VinAI từ con số 0, với TS Bùi Hải Hưng - một trong những mục tiêu lớn nhất là ươm mầm tài năng để chuẩn bị nhân lực cho Việt Nam trong 5 - 10 năm nữa. Đến nay chưa có công trình nào từ các trường đại học tại Việt Nam công bố tại IMCL và CVPR nhưng năm nay có 7 công trình đều từ VinAI, các bạn thực tập sinh đóng góp 5. TS Bùi Hải Hưng không hề bất ngờ trước những thành tích này bởi ông nhận định người Việt Nam có tố chất không thua kém gì thế giới.
“Chúng tôi đã lĩnh ấn tiên phong rồi, các trường có thể cộng tác hoặc cạnh tranh với VinAI để đào tạo những tài năng trẻ cho Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu đỉnh cao này. Khát khao của tôi là muốn thế giới không chỉ biết tới một Việt Nam anh hùng, mà còn là một Việt Nam đẳng cấp và trí tuệ" - Viện trưởng VinAI kỳ vọng.
11 thành viên thực tập sinh khóa I của VinAI dưới sự dẫn dắt của TS Bùi Hải Hưng đã trúng tổng cộng 19 học bổng Tiến sĩ tại các trường Top 20 thế giới về Trí tuệ nhân tạo. Nhờ sự tồn tại và phát triển của VinAI mà các bạn trẻ tài năng Việt Nam có cơ hội bước vào lãnh địa nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo thế giới, rạng danh ghi tên trong những công trình khoa học được công bố tại ICML và CVPR - Oscar của cộng đồng khoa học AI toàn cầu, chỉ khi vừa bước sang tuổi ngoài 20.
Các thực tập sinh cùng nhau trao đổi nghiên cứu.