Người bệnh tiểu đường: Ăn nhiều, “bỏ đói” đều gặp tai biến

Chị N.T.P nghe nói ăn nhiều cơm, chất đường dễ bị béo phì, tiểu đường, mỡ máu nên đã “nhịn” các chất này thay bằng chế độ ăn “nghèo nàn” như khoai, miến….

Kết quả, sức khỏe chưa cải thiện thì chị đã bị ngất xỉu trong lúc làm việc. Khi vào viện chị được chẩn đoán mắc tiểu đường biến chứng hôn mê do hạ đường huyết vì kiêng ăn quá mức.

Theo khảo sát của PV Khoa học & Đời sống, không riêng gì chị P, mà rất nhiều người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) có những sai lầm trong ăn uống, dẫn tới biến chứng nặng nề nguy hiểm của bệnh.

Sai lầm trong ăn uống của người tiểu đường

Nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy, khoảng 14 triệu người mắc bệnh ĐTĐ typ 2 do khẩu phần ăn uống nghèo nàn. Hơn 37 triệu người Mỹ, chiếm tới 10% dân số, đã bị bệnh tiểu đường, một trong 7 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong nhiều nhất ở Mỹ.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tuft của Mỹ đã phân tích chế độ ăn của người dân ở 184 quốc gia trên thế giới cho thấy, hơn 70% trường hợp được chẩn đoán do chế độ ăn không lành mạnh gây ra. Nghiên cứu này đã tập trung vào 11 nhân tố trong chế độ ăn uống và kết luận 3 nhân tố: Chế độ ăn uống nghèo nàn ngũ cốc, thực phẩm chế biến sẵn và đường được cho là liên quan tới việc tăng các ca bệnh tiểu đường...

CDC của Mỹ cảnh báo, số thanh niên Mỹ mắc bệnh tiểu đường type 2 được dự đoán sẽ tăng vọt gần 700% vào năm 2060 nếu xu hướng gia tăng hiện tại tiếp tục không được kiểm soát.

PGS.TS Tạ Văn Bình, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu rối loạn chuyển hóa và ĐTĐ nhấn mạnh, hiện nay nhiều người, đặc biệt người bệnh ĐTĐ không hiểu biết nên đã có những sai lầm trong ăn uống.

Chẳng hạn như, người bệnh không dám ăn nhiều vì cho rằng sẽ gây tăng lượng glucose trong máu. Nhưng họ không biết rằng càng nhịn ăn tình trạng bệnh càng xấu. Thậm chí có không ít người phải vào viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngất, da xanh... do hạ glucoza máu.

Đặc biệt, người bệnh sẽ bị các biến chứng nhiễm trùng, cắt cụt chi… tiên lượng lại càng tệ hại nếu không cho họ chế độ ăn giàu năng lượng.

Hay có một số người lại ăn nhiều để bù lại lượng glucose đã mất và hậu quả họ gặp đủ các biến chứng về rối loạn lipid máu (tim mạch, huyết áp…), suy thận,...

Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy, tỷ lệ mắc ĐTĐ ở người trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh ĐTĐ.

50% số bệnh nhân ĐTĐ chưa được chẩn đoán. ĐTĐ là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân phải cắt cụt.

Thăm khám sàng lọc tiểu đường

Thăm khám sàng lọc tiểu đường

Kết quả điều tra tại Việt Nam có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc ĐTĐ đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Biết cách ăn chữa được 50% bệnh

Các chuyên gia y tế cho biết, nếu kết hợp tốt chế độ ăn uống và thể lực có thể chữa được 50% bệnh ĐTĐ typ 2, giúp ổn định đường huyết và giảm biến chứng. Tuy nhiên, hơn 73% bệnh nhân ĐTĐ ở nước ta không tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý vì chưa hiểu thấu đáo kiến thức dinh dưỡng.

PGS.TS Tạ Văn Bình nhấn mạnh, người bệnh ĐTĐ cần hiểu rõ, bệnh này không chỉ điều trị đơn thuần bằng thuốc mà chế độ ăn, tập luyện đóng vai trò quan trọng như một phương pháp điều trị. Chế độ ăn thích hợp là phải đảm bảo đủ calo cho hoạt động sống bình thường, tỷ lệ thành phần các chất đạm, mỡ, đường cân đối; đủ vi chất; ...

Năng lượng khẩu phần trung bình trong một ngày được tính theo trọng lượng cơ thể. Nếu nằm điều trị tại giường, chỉ cần 25Kcal/kg/ngày và hoạt động nhẹ tại nhà thì chỉ cần 30Kcal/kg/ngày. Trong đó: Chất đạm (protit) khoảng từ 15-20%; chất béo (lipit) từ 20-30% và chất bột đường (gluxit) chiếm từ 50-65%; chất xơ 40g và muối 1g/1.000Kcal.

Bệnh viện Nội tiết TƯ xét nghiệm sàng lọc bệnh tiểu đường cho người dân

Bệnh viện Nội tiết TƯ xét nghiệm sàng lọc bệnh tiểu đường cho người dân

BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Bệnh viện Nội tiết TƯ cho biết, dinh dưỡng hợp lý là vấn đề then chốt giúp duy trì cân nặng, kiểm soát đường huyết, tránh các biến chứng cho người bệnh. Vì vậy, nhằm ổn định đường huyết thì người bệnh ĐTĐ nên tuân thủ các nguyên tắc sau:

Nên ăn ổn định số lượng glucid (chất bột đường) trong các bữa ăn phù hợp với mình, biết thay thế thức ăn giàu tinh bột.

Lựa chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (<55%), cần phối hợp các thực phẩm có nhiều chất xơ như gạo lứt, bánh mì đen, rau, củ,… mỗi ngày ăn từ 300g - 500g rau.

Tránh những bữa ăn lớn, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ nếu đường huyết kiểm soát không tốt, nên ăn ba bữa chính và có thêm ít nhất một bữa phụ.

Giữ đúng giờ ăn theo lịch. Không bỏ bữa ăn ngay cả khi ốm hoặc cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn, nên thay thế bằng thức ăn phù hợp.

Tránh ăn hoặc uống các thực phẩm nhiều đường, hạn chế các thực phẩm nguồn gốc động vật có nhiều mỡ, cholesterol. Nên ăn các thực phẩm có chứa chất béo tốt cho sức khỏe như đậu phụ, vừng lạc, cá…

Ăn giảm lượng muối, gia vị chứa muối đến mức có thể chấp nhận, đặc biệt khi bị tăng huyết áp, suy thận.

Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng các thức uống có cồn như rượu, bia; Nên duy trì cân nặng “nên có” và cần đi khám sức khỏe định kỳ hoặc theo hẹn của bác sĩ.

Ý nghĩa của chế độ ăn đối với người mắc ĐTĐ typ 2

Chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp cho đường huyết sau ăn không tăng cao; Bảo vệ tim mạch, kiểm soát huyết áp, mỡ máu; Tránh hạ đường huyết ở những bệnh nhân dùng thuốc có nguy cơ hạ đường; Giảm và duy trì cân nặng ở mức tốt nhất và giúp bệnh nhân duy trì hoạt động thể lực hàng ngày.

Theo Đời sống
back to top