Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký và ban hành Quyết định 2499 về việc công bố hết hiệu lực một số điều của Thông tư 17/2012, quy định về dạy thêm, học thêm.
Nội dung quyết định 2499/QĐ-BGDĐT gồm: Điều 1. Công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Lý do: hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư ngày 26/11/2014. Thời điểm hết hiệu lực: ngày 01/7/2016.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Cụ thể, theo quyết định, việc tổ chức dạy thêm, học thêm sẽ bãi bỏ những điều sau:
Điều 6. Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường; Điều 8. Yêu cầu đối với người dạy thêm; Điều 9. Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Điều 10. Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Như vậy, theo quyết định mới này, sẽ không có bất kỳ tổ chức, cá nhân nào được phép tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Cùng với đó, các thủ tục về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm đều bị bãi bỏ. Một số hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm được bãi bỏ bao gồm:
Điều 11. Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Điều 12. Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm; Điều 13. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Điều 14. Thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm.
Theo nội dung quyết định trên hầu hết quy định về dạy thêm đã bị bãi bỏ.
Trong thời gian qua, việc dạy thêm, học thêm đã nhận được sự quan tâm của dư luận và gây nên nhiều tranh cãi trái chiều. Với quy định này, nhiều người hy vọng sẽ kiểm soát tốt hơn việc dạy thêm, học thêm.
Tuy nhiên, có một băn khoăn là Quyết định 2499 mới ban hành ngày 26/8/2019, trong khi đó nêu các Điều 6,8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 hết hiệu lực từ 1/7/2016.
Vậy câu hỏi đặt ra là những đơn vị được cấp phép trong khoảng thời gian từ 2/7/2016 tới ngày 25/8/2019 sẽ được xử lý như thế nào?