Trong lúc lên sửa mái tôn nhà, anh N.H.T. (Bình Chánh) bị giật điện ngã xuống từ độ cao 1m và bị ngưng tim ngưng thở. Người dân xung quanh đó ngay lập tức sơ cứu, nhồi bóp tim ngoài lồng ngực, hà hơi thổi ngạt sau đó đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại cơ sở y tế tuyến quận.
Bệnh nhân N.H.T. đang được hạ thân nhiệt chỉ huy tại Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM do ngưng tim ngưng thở sau khi bị điện giật. |
“May mắn cho bệnh nhân là đã được sơ cấp cứu ngay tại hiện trường và sau đó được các bác sĩ tuyến dưới hồi sức tim phổi cao cấp, kích thích tim đập trở lại. Tuy nhiên, do thời gian ngưng tim ngưng thở khá lâu, khoảng 45 phút, nên bệnh nhân đến với chúng tôi trong tình trạng tim đập lờ đờ, hôn mê sâu, không có phản ứng kể cả những kích thích đau”, TS.BS Hoàng Văn Sỹ, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM cho biết.
Bệnh nhân đã có nhiều biến chứng như tụt huyết áp, suy thận, thiếu máu lên não do quá trình ngưng tim… Vì vậy, để bảo vệ tế bào não, bảo vệ tim, các tạng khác… các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch đã triển khai nhiều kỹ thuật hồi sức tim mạch trong đó có hạ thân nhiệt chỉ huy.
“Bệnh nhân được làm lạnh và hạ thân nhiệt xuống 36oC, sau đó làm ấm cơ thể từ từ trong 3 ngày. Song song đó, chúng tôi dùng thuốc hỗ trợ cơ tim co bóp, cải thiện huyết động và tuần hoàn… Bệnh nhân dần có dấu hiệu hồi tỉnh, tri giác cải thiện tốt, phản xạ mắt và tay, bắt đầu gọi - biết, thực hiện được y lệnh của bác sĩ”, ThS.BS Nguyễn Trường Duy, bác sĩ trực tiếp điều trị cho biết.
Bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn. |
Theo BSCKII Đặng Quý Đức, Phó khoa khoa Nội Tim mạch,hạ thân nhiệt chỉ huy là kỹ thuật làm lạnh chủ động có kiểm soát chặt chẽ để đưa thân nhiệt bệnh nhân xuống 33 - 36oC. Nhờ đó, cải thiện tiên lượng tử vong; giảm tổn thương thiếu máu cục bộ đến nuôi các cơ quan, đặc biệt não; giảm thiểu tổn thương hàng rào máu não và chết nơron thần kinh; giảm phản ứng viêm và các sản phẩm oxy hóa độc tế bào; giảm tỉ lệ chuyển hóa tế bào não, giảm nhu cầu oxy và glucose…
Hạ thân nhiệt chỉ huy đã được triển khai tại Khoa Nội Tim mạch từ tháng 6/2020, nhiều trường hợp đã hồi phục tốt, không để lại di chứng não.
Theo các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch, có hai phương cách hạ thân nhiệt chỉ huy gồm nội mạch hay kiểm soát thân nhiệt bề mặt. Đây là một trong những kỹ thuật chuyên khoa sâu trong hồi sức cấp cứu tim mạch bên cạnh mở khí quản tại giường, bóng dội ngược động mạch chủ tại giường, lọc thận chậm và liên tục 24 - 72h…
Một số biến chứng có thể gặp khi áp dụng kỹ thuật này là tăng nguy cơ nhiễm trùng, bỏng lạnh, hình thành huyết khối, loạn nhịp tim (rung thất), sốc giảm thể tích, tăng đường huyết, rối loạn điện giải… Tuy nhiên, hiệu quả điều trị đối với các bệnh nhân ngưng tim ngưng thở cao hơn, đảm bảo chất lượng cuộc sống sau hồi phục và giảm tỷ lệ tử vong.
Theo các nghiên cứu, kỹ thuật này có hiệu quả đối với các bệnh nhân ngưng tim ngoại viện do rối loạn nhịp tim. Còn những trường hợp ngưng tim trên bệnh nhân tai biến mạch máu não, xuất huyết não nặng; hoặc bệnh nhân mới phẫu thuật lớn trong vòng 14 ngày; đang chảy máu; bệnh nhân sốc nhiễm trùng hoặc nhiễm trùng huyết nặng; bệnh nhân hôn mê do nguyên nhân khác (ngộ độc, chuyển hóa) không có chỉ định áp dụng kỹ thuật này.