Nghi ngờ nấm là thủ phạm gây viêm hoại tử xương

Y văn thế giới ghi nhận khoảng 80 ca viêm hoại tử xương sau Covid trong đợt dịch do chủng Delta hồi năm ngoái, trong đó một số ca do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng.

Số ca này được báo cáo từ Ấn Độ, Trung Quốc, các quốc gia châu Á và châu Mỹ kể từ tháng 5/2021 đến tháng 5 năm nay. Các bệnh nhân bị viêm xoang, viêm hoại tử xương vùng hàm mặt và xương sọ, có bệnh nền đái tháo đường, đều từng nhiễm nCoV ở thời điểm biến chủng Delta lây lan mạnh.

Tại Việt Nam, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM ghi nhận 5 trường hợp cốt tủy viêm xoang hàm trên kể từ đầu năm, trong đó ba ca bệnh nền đái tháo đường, hai trường hợp nấm xâm lấn. BV Chợ Rẫy ghi nhận 11 người nhập viện với triệu chứng đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt và mắt, diễn tiến nặng dần, hai người sau đó tử vong. Điểm chung của họ là đều từng mắc Covid-19, tuy nhiên chưa rõ nguyên nhân gây tình trạng hoại tử xương. Các bác sĩ đều đánh giá "đây là vấn đề bệnh lý mới " và cần tìm hiểu.

Aspergillus là một loại nấm mốc phổ biến, xuất hiện nhiều trong tự nhiên. Dù tiếp xúc thường xuyên, việc lây nhiễm Aspergillus ở người không phổ biến, trừ khi hệ miễn dịch bị ức chế. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng ức chế miễn dịch là bệnh nền tiểu đường, việc sử dụng steroid, cấy ghép nội tạng, ung thư, chấn thương, suy dinh dưỡng và AIDS.

Nấm có thể xâm nhập vào cơ thể, xuống phổi và đi vào máu, sau đó lây nhiễm sang các cơ quan khác nhau. Trong khoảng thời gian biến chủng Delta lây lan mạnh năm ngoái, Ấn Độ ghi nhận hơn 30.000 ca nhiễm nấm liên quan đến Covid-19 chỉ trong ba tuần. Một số chuyên gia gọi tình trạng này là bệnh nấm đen (mucormycosis).

Tiến sĩ Prashant D Shirke, trưởng ban cố vấn y tế tại PDS Imaging, thành phố Mumbai, báo cáo một ca viêm tủy xương do nhiễm nấm hậu Covid-19 điển hình. Bệnh nhân 63 tuổi, có bệnh nền đái tháo đường và điều trị bằng thuốc trong nhiều năm. Người này có triệu chứng đau hàm bên trái trong vòng 4 tháng, kể từ tháng 12/2020 và được chẩn đoán nhiễm nCoV vào tháng 1/2021.

Các chuyên gia y tế Ấn Độ cho biết tình trạng này tương đối hiếm, song nó lây nhiễm sang người mắc Covid-19 bị suy yếu miễn dịch, có bệnh nền tiểu đường.

Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng nhiễm nấm tại Ấn Độ là do bệnh nhân phải sử dụng steroid để điều trị khi nhập viện. Bên cạnh đó, trong đợt dịch thứ hai, nhiều gia đình phải tự mua thuốc và cho người thân thở oxy tại nhà mà không được vệ sinh đúng cách.

Theo Đời sống
back to top