“Kết duyên” cho những “con rối” cô đơn
Nếu có một ngày nào đó bạn rẽ qua làng Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội), đừng quên ngồi bên hồ nước bình dị để chiêm ngắm những con rối vẫn đang say sưa kể tích cổ bất kể trời đông giá hay nắng hạ.
Cũng giống như Chèo, Tuồng hay Cải lương, nghệ thuật múa rối nước cứ như bị văng ra khỏi bánh xe của thời cuộc, để nhường chỗ cho những bộ môn nghệ thuật đương đại luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng với giới trẻ. Làng Đào Thục xưa huy hoàng với rối nước là thế, nay cũng chỉ còn hơn 20 nghệ nhân biểu diễn rối nước thường xuyên, còn lại cũng vì mưu sinh mà “bỏ cuộc chơi” hết rồi. Múa rối nước vì thế nhiều khi cũng chỉ là niềm vui của kẻ say nghề lúc nông nhàn.
Nghệ nhân múa rối Nguyễn Văn Tâm, giờ đang làm việc tại Nhà hát Rối nước Ánh Trăng tại Sun World Halong Complex (Hạ Long). Anh là một trong số ít các nghệ nhân tìm được bến đỗ cho mình, để có thể thoả đam mê với rối nước mà không phải chịu áp lực mưu sinh.
Anh được mời về nhà hát từ ngày cái hồ nước còn đang cạn khô khi công trình chưa xong. Và giờ thì, mưa, nắng, ít khách, nhiều khách, vẫn diễn. Anh kể: “Có hôm đang diễn thì mưa như trút nước. Sân khấu không có mái, các anh em chơi nhạc chỉ có mỗi chiếc ô nhỏ che đầu, thế là nhường ô che cho đàn, cho trống, còn mình thì ướt nhẹp. May sao lúc mưa khách cũng không bỏ mình đi. Chỉ cần thế thôi, khiến chúng tôi dù có dầm nước cả nửa tiếng rồi vẫn thấy ấm lòng”.
Đến xem rối ở Sun World Halong Complex, du khách không phải bỏ thêm tiền. Những người đã bỏ công sức, tiền của xây nhà hát, thuê nghệ sỹ biểu diễn tại đây, chỉ đơn giản là muốn gia tăng trải nghiệm cho du khách đến công viên, muốn giữ rối nước để văn hóa truyền thống được lan tỏa cho muôn đời sau, để du khách quốc tế luôn nhớ Việt Nam có rối nước “hay lắm, đặc sắc lắm”, để người nghệ sỹ như anh Tâm được tiếp tục say nghề.
Tiếp sức, để tiếng khèn thêm sắc hân hoan
Ai đến Tây Bắc, hẳn sẽ nhớ tiếng khèn của chàng trai người H’Mong, mê mẩn điệu múa xòe của người con gái nơi bản làng vùng cao. Nhưng đâu phải khi nào đến Sa Pa cũng được nghe tiếng khèn ấy, chiêm ngưỡng điệu múa ấy, nếu không gặp phiên chợ tình Tây Bắc.
Vậy mà có một nơi, mùa nào cũng có lễ hội khèn, lễ hội hoa, lễ hội văn hóa vùng cao Tây Bắc, lễ hội mùa lúa chín…, để nghệ nhân vùng cao được mang khèn vào đó mà say mê. Ngày nào đến đây du khách cũng được ngắm những cạp váy xòe rập rờn múa lượn. Ấy là khu du lịch Sun World Fansipan Legend.
Giàng A Sử (xã Cao Sơn, Mường Khương, Lào Cai) – đã từng phải bỏ xứ vào Tây Nguyên lập nghiệp, được Sun World Fansipan Legend mời tới lễ hội để diễn cho du khách thưởng lãm. Nhiều nghệ nhân khác cũng có thêm công ăn việc làm mỗi khi khu du lịch này tổ chức lễ hội. Văn hóa truyền thống Tây Bắc được tái hiện, gìn giữ, và trở thành nguồn sống cho bà con vùng cao, cũng nhờ có cách làm du lịch đặc sắc của Sun World Fansipan Legend.
Làm du lịch bắt nguồn từ cội rễ văn hóa sẽ bền vững, nhưng lợi nhuận thì… “còn lâu mới có”. Đó là lý do ít nhà đầu tư nào muốn làm như Sun Group đang làm. Nhưng nói như ông Đặng Minh Trường, CEO của Tập đoàn này, thì: “Bởi theo đuổi những tiêu chí đề cao chất lượng, đẳng cấp, hầu hết sản phẩm của Sun Group đều không đem lại lợi nhuận ngay. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, với quy mô và sức hút từ các sản phẩm của mình, lợi nhuận sớm muộn sẽ có”.
Theo Khoa học và Đời sống