Ngăn chặn trước khi thoái hoá điểm vàng

(khoahocdoisong.vn) - Trong số các bệnh về mắt ở người cao tuổi, thoái hoá điểm vàng là bệnh để lại hậu quả nặng nề trên thị lực và rất khó điều trị khỏi hoàn toàn.

Những người dễ bị thoái hóa điểm vàng

Thoái hóa điểm vàng là nhóm các bệnh về mắt ảnh hưởng đến võng mạc, dẫn đến mất thị lực trung tâm. Bệnh không gây mù hoàn toàn vì tầm nhìn xung quanh vẫn còn bình thường nhưng làm suy yếu khả năng đọc, nhận dạng, lái xe và khó nhận ra màu sắc và sự tương phản. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra mất thị lực trên thế giới, chiếm gần 50% trong tất cả các trường hợp bị khiếm thị.

Theo BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, thoái hóa điểm vàng hay gọi là thoái hóa hoàng điểm là sự thoái hóa của tế bào hoàng điểm làm cho mắt mất khả năng nhìn chi tiết ở vùng trung tâm thị giác, giảm thị lực trung tâm làm cho hình ảnh nhìn thấy bị mờ ở phần chính giữa, bị méo mó, biến dạng, mất thị lực. 

Thoái hóa điểm vàng có hai loại: Khô và ướt. Cả hai loại này thường xảy ra ở những người lớn tuổi nên còn được gọi chung là bệnh thoái hóa điểm vàng do lão hóa. Thoái hóa điểm vàng khô là khi thị lực suy giảm, cảm giác bị nhòe khi nhìn một vật nào đó. Khi bệnh nặng hơn, một điểm mờ sẽ xuất hiện giữa tầm nhìn và càng ngày càng sẫm màu hơn. Đối với thoái hóa điểm vàng ướt, triệu chứng phổ biến nhất là thấy tầm nhìn trung tâm bị bóp méo, ví dụ như các đường thẳng trở nên lượn sóng, tầm nhìn trung tâm sẽ xuất hiện một điểm mờ, theo thời gian điểm mờ này lớn dần làm giảm khả năng nhìn.

Thoái hóa điểm vàng liên quan chặt chẽ đến tuổi tác. Nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng tăng theo lứa tuổi, ở lứa tuổi 50 nguy cơ là 2% nhưng đến 60 tuổi là 25% và lên đến 30% đối với người trên 75 tuổi. Những người trong gia đình có người thân mắc bệnh thoái hóa điểm vàng cũng rất dễ bị bệnh. Đối với nam giới hút thuốc lá, béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh dễ mắc bệnh.

Nguy cơ mù loà từ thoái hoá điểm vàng

Theo kết quả điều tra năm 2015 tại 14 tỉnh thành ở Việt Nam cho biết, có gần 330.000 người mù, gần 11,5% người trên 50 tuổi thị lực kém (khoảng 2 triệu người). Thoái hoá điểm vàng thường được phát hiện khi đã trở nặng. 42% bệnh nhân bị một mắt sẽ có nguy cơ bị mắt thứ hai trong vòng 3 - 5 năm. Vì quá trình thoái hóa điểm vàng diễn ra lâu dài mà nhiều người coi nhẹ căn bệnh nên không phòng ngừa.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam chưa có một phương pháp nào chặn đứng được bệnh thoái hóa điểm vàng. Vì thế phòng ngừa là giải pháp hữu hiệu nhất để cải thiện và làm chậm lại quá trình này, thông qua việc bổ sung các nhóm dinh dưỡng Vitamin A, C, E; B2); tăng cường yếu tố chống oxy hóa, chống thoái hóa (lutein, zeaxanthin, alpha lipoic axit, quercetin, kẽm…).

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ánh sáng mặt trời có chứa tia tử ngoại, là một trong những tác nhân nguy hiểm thúc đẩy bệnh thoái hóa điểm vàng Tia tử ngoại có mức độ năng lượng cao và bước sóng ngắn, có thể đi xuyên giác mạc và thủy tinh thể, sau đó tiến sâu vào võng mạc. Các tia tử ngoại sẽ tạo ra các gốc tự do gây lão hóa các tế bào ở điểm vàng, gây nên những tổn thương ở giác mạc, thậm chí có thể dẫn đến triệu chứng mù một phần.

Do đó, những bệnh nhân mắc căn bệnh này nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp mắt với ánh nắng mặt trời, nên đeo kính râm để bảo vệ mắt khi đi ra ngoài trời. Khi đọc sách, chú ý chỉnh đủ ánh sáng, không đọc cố khi ánh sáng yếu. Đối với người cao tuổi nên chú ý kiểm soát huyết áp. Người mắc bệnh tăng huyết áp có khả năng mắc bệnh thoái hóa điểm vàng thể ướt cao hơn so với những người không có tiền sử bệnh tăng huyết áp. Để phòng tránh thoái hóa điểm vàng cần khám mắt định kỳ, nhất là những người từ 40 tuổi trở lên.

Ăn uống giúp phòng chống bệnh thoái hóa điểm vàng

Theo các chuyên gia, có hai loại carotenoid được tìm thấy nhiều nhất tại võng mạc và điểm vàng là lutein và zeaxanthin. Hai loại carotenoid này được cho là giúp lọc bỏ các sóng ánh sáng dài, nhiều năng lượng, có thể gây hại tới mắt. Cả hai vi chất này có nhiều trong rau cải xoăn, rau chân vịt, củ cải, lòng đỏ trứng gà. Để hấp thu tốt nhất 2 loại chất dinh dưỡng này cần có chất béo, do vậy, khi chế biến thực phẩm cần bổ sung thêm dầu giúp món ăn vừa ngon, cơ thể vừa hấp thu hết dưỡng chất.

Đối với các chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin C rất tốt trong việc ngăn chặn mắt lão hóa. Các nguồn cung cấp vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt, hạt tiêu, bông cải xanh, dâu tây. Hạt dẻ, hạnh nhân, bông cải xanh, rau chân vịt là các thực phẩm giúp bổ sung vitamin E.  Axit béo omega-3 được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cho các tế bào thụ cảm ánh sáng ở điểm vàng luôn khỏe mạnh.

Các nguồn cung cấp axit béo omega 3 bao gồm cá hồi, cá mòi, sữa chua, trứng. Vitamin D là chất chống oxy hóa, chống viêm, chống tạo mạch. Vitamin D có thể ức chế quá trình phát triển của các mạch máu mới trong dạng ướt của bệnh thoái hóa điểm vàng. Vì vậy, nên bổ sung vitamin D vào chế độ ăn hàng ngày bằng cách ăn các loại cá béo, uống loại sữa, uống nước cam, tập thể dục buổi sáng kết hợp phơi nắng để bổ sung vitamin D.

Theo Đời sống
back to top