Ngâm chân thế nào cho đúng?

Vào mùa đông, trời lạnh giá, nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi, có thói quen ngâm chân buổi tối trước khi đi ngủ, vừa thúc đẩy lưu thông máu, giúp làm ấm cơ thể, ngủ ngon, đồng thời còn hỗ trợ tăng cường miễn dịch, phòng chống tật bệnh, thư giãn tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ngâm chân thế nào để có được những hiệu quả đó thì không phải ai cũng làm đúng.
Ngâm chân giúp thư giãn cơ thể, đem lại giấc ngủ ngon

Ngâm chân giúp thư giãn cơ thể, đem lại giấc ngủ ngon.

Lợi ích của việc ngâm chân

BS Đào Bá Vy, nguyên trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện 354, cho biết: theo Đông y, gan bàn chân được coi là trái tim thứ 2 của con người, là một trong những bộ phận dày đặc kinh lạc và huyệt vị. Từ mắt cá chân trở xuống có đến 60 huyệt vị quan trọng của con người, vì thế việc chăm sóc đôi chân rất được coi trọng.

Trong đó ngâm chân là một liệu pháp đơn giản, giúp thông kinh lạc, kích thích các huyệt vị, giúp tăng cường sức khỏe cho các tạng phủ trong cơ thể. Ngâm chân trong nước ấm giúp máu huyết lưu thông, có thể giúp điều trị một loạt triệu chứng khó chịu như đau đầu, ngủ không ngon, tinh thần uể oải, tâm lý bất an.

Có thể cho thêm vài viên đá cuội trong chậu nước nóng để nâng cao hiệu quả ngâm chân, thúc đẩy đả thông kinh lạc, mang lại hiệu quả ổn định tinh thần, tốt cho tim thận và cải thiện giấc ngủ. Đặc biệt vào mùa lạnh, ngâm chân nước ấm còn giúp phòng tránh nguy cơ cảm lạnh, cảm cúm, phong hàn.

Thời điểm ngâm tốt nhất là trước khi ngủ, ngâm hai chân vào nước ấm chừng 40 độ C, thời gian ngâm chừng 20-30 phút (trong thời gian đó có thể thêm nước nóng để duy trì nhiệt độ), ngâm đến khi thấy người nóng lên, đổ mồ hôi nhẹ, da chân ửng đỏ là tốt nhất. Đồng thời còn có thể kết hợp xoa bóp chân và lòng bàn chân.

Kết hợp thảo dược để tăng công hiệu

Theo Lương y Nguyễn Văn Sử, Hội Đông y Việt Nam, có thể bổ sung thêm các loại thảo mộc như gừng, ngải cứu, lá lốt, thiên niên kiện, quế khấu… vào nước ngâm, có tác dụng rất tốt cho cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường khả năng miễn dịch, tiêu viêm, kháng khuẩn, phòng và trị cảm lạnh, đau nhức xương khớp ở người già,…

Cụ thể, lấy 30gr lá lốt đem rửa sạch và cho vào đun với nước và chút muối, để nước ấm và ngâm hai bàn chân trước khi đi ngủ, sẽ cải thiện tình trạng ra mồ hôi rất tốt. Ngâm hoặc xông chân với lá lốt, ngải cứu cũng là lựa chọn không nên bỏ qua đối với người bị đau nhức xương, khớp. Cách này không chỉ làm giảm hẳn triệu chứng đau nhức xương mà còn mang lại cảm giác rất dễ chịu, giúp ngủ ngon.

Ngoài ra, còn có thể sử dụng ngải cứu, lá lốt, gừng tươi, tất cả giã nát xả với nước nóng để ngâm chân. Hoặc có thể cho các vật liệu này vào đun sôi với nước khoảng 15 phút rồi chắt ra để ấm, khoảng 40 độ C là vừa ngâm. Vào mùa gừng có thể mua về rửa sạch, giã nát và đem ngâm rượu, mỗi tối lấy ra 1 cốc nhỏ pha với nước ấm để ngâm chân rất tốt.

Những chú ý khi ngâm chân

Các chuyên gia khuyên nên ngâm chân kiên trì thường xuyên mỗi ngày sẽ có tác dụng tốt. Khi ngâm chân, nên ngâm ngập cổ chân, ít nhất là trên mắt cá khoảng 2cm. Hoặc nếu có thể nên ngâm trong xô hoặc thùng để mực nước ngâm chân cao hơn một nửa chiều cao của bắp chuối, đây là nguyên tắc ngâm chân giúp khí huyết trong kinh mạch lưu thông tốt nhất, để từ đó tác động lên toàn bộ cơ thể.

Khi ngâm, phải đặt nguyên hai bàn chân trên mặt đáy thùng một cách thoải mái. Thời gian ngâm chân tốt nhất là 30 phút, khi ngâm chừng mười lăm phút có thể thêm chút nước nóng để giữ nhiệt độ của nước.

Trước và sau khi ngâm chân nên uống chút nước ấm để tạo điều kiện tốt cho việc thải độc, và bù nước cho cơ thể. Sau khi ngâm xong bao giờ cũng dùng khăn khô lau sạch chân, vào ngày lạnh thì phải lập tức ủ ấm chân.

Những người có bệnh tim mạch, huyết áp, thường xuyên choáng váng đầu thì cần hết sức lưu ý khi ngâm chân, không ngâm lâu, không dùng nước quá nóng để ngâm chân. Chú ý những người có bệnh này khi ngâm chân mà thấy mồ hôi ra nhiều thì nên dừng ngay, lau khô mồ hôi và nằm nghỉ ngơi nơi kín gió, tránh nguy cơ gây choáng. Ngoài ra, người sau khi uống rượu thì không nên ngâm chân. Trước và sau khi ăn khoảng 1 giờ , khi bụng đói cũng không nên ngâm chân. Những người trong thời gian bị bong gân, có vết thương hở ở chân thì không nên ngâm chân. (BS Đào Bá Vy)

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top