Ngâm chân thảo dược trị chứng chân tay lạnh.
Theo y học cổ truyền, gừng, ngải cứu, vỏ quế, hoa tiêu là những vị thuốc có tính ấm, được dùng giúp giảm đau, giải cảm, kích thích mao mạch, cải thiện lưu thông máu và trao đổi chất. Nhờ vậy mà chân tay bị lạnh có thể dùng các vị thuốc này chữa trị một cách đơn giản mà hiệu quả.
Nước gừng: Dùng khoảng 20-30g gừng tươi cạo sạch vỏ sau đó đập dập, cho vào khoảng nửa nồi nước rồi đậy vung kín để tránh làm các tinh dầu có trong gừng bay hơi, bạn đun khoảng 10 phút rồi cho toàn bộ vào một chiếc chậu có pha thêm nước lạnh sao cho nước trong chậu hơi ấm khoảng 39-40 độ là được. Dùng nước này ngâm bàn tay bàn chân ngậm mắt cá chân trong khoảng 30 phút thì lau lại bằng khăn khô.
Ngải cứu: Dùng khoảng 30-50gam ngải cứu tươi, cho vào nửa nồi nước đậy vung kín đun sôi khoảng 10 phút, sau đó đổ cả lá và nước pha thêm nước lã cho nhiệt độ khoảng 40 độ thì ngâm chân tay. Mùa đông nước nhanh nguội thì thay nước. Nếu đổ thêm ít nước sôi thì trong quá trình ngâm vừa ngâm vừa vò lá ngải để tăng thêm hàm lượng tinh dầu cho nước.
Vỏ quế và hoa tiêu: Vỏ cây quế và hoa tiêu (một loại hoa gia vị cay tương tự mắc khén rừng, còn có tên Tần tiêu, Xuyên tiêu…) đều là loại hương liệu rất dễ mua tại cửa hàng Đông y hoặc thuốc nam. Đun 5g quế với 10g hoa tiêu dùng trong vòng 10 phút. Có dùng bột xay sẵn của 2 loại này pha vào nước ấm ngâm cũng có tác dụng tương tự.
Chú ý cũng không được ngâm quá mắt cá chân, không ngâm chân tay quá 30 phút. Vì khi ngâm nóng lâu ở chân tay, máu sẽ lưu thông tới chi, ảnh hưởng tới lượng máu tuần hoàn não, nên những người bị bệnh tim người già có thể cảm thấy tức ngực, chóng mặt.
Sau khi ăn không được ngâm chân ngay. Vì sau khi ăn cơm lượng máu trong cơ thể sẽ tập trung cho việc tiêu hóa. Nếu ngâm chân ngay vào nước nóng thì máu lại dồn xuống chi, về lâu dài sẽ sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, hấp thụ chất. Do vậy, sau khi ăn cơm 1 giờ mới được ngâm chân.
Đông y cũng khuyến cáo nên dùng chậu gỗ để ngâm chân là tốt nhất. Chậu đồng hay một số chậu bằng kim loại khác có các thành phần hóa học, dễ phản ứng với các chất trong thuốc ngâm, sinh ra nhưng chất độc hại, do đó vừa không tốt cho cơ thể vừa giảm đáng kể tác dụng của thuốc.
BS Lê Hải, Khoa Y học cổ truyền (Đại học Y Hà Nội)