Nên tích trữ thực phẩm trong bao lâu?

(khoahocdoisong.vn) - Ngày Tết, nhiều gia đình có thói quen tích trữ thực phẩm chật tủ lạnh, thậm chí thực phẩm chín mà để vài tuần mới sử dụng. Các chuyên gia cảnh báo, thực phẩm để lâu trong tủ lạnh cũng bị vi khuẩn tấn công như thường.

Ngăn đá cũng chỉ nên để 1 tuần

Nhiều gia đình có thói quen tích trữ thực phẩm đầy tủ lạnh, coi chiếc tủ lạnh là bảo bối để giữ thực phẩm không bị hỏng trong suốt thời gian dài. Bởi thế mà ngày lễ, ngày Tết, chiếc tủ lạnh luôn đầy ăm ắp các loại thực phẩm vừa chín, vừa sống lẫn lộn. Thực phẩm chỉ nên để bao nhiêu lâu, nếu chưa có dấu hiệu hỏng dù đã để vài tuần rồi thì có nên sử dụng không? Thịt cá nên bảo quản bao lâu, rau xanh giữ dưỡng chất tốt nhất trong bao lâu? Tủ lạnh có phải là bảo bối cất giữ thực phẩm bao lâu cũng được?

ThS Lưu Liên Hương, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trong tủ lạnh có hai ngăn là ngăn đá và ngăn mát. Thực phẩm bỏ vào ngăn đá có thể được bảo quản ở  nhiệt độ -10 độ C, -12 độ C, thậm chí có loại tủ lạnh có thể đạt đến -18 độ C. Ở ngăn đá do nhiệt độ thấp nên việc ức chế vi sinh cao có thể bảo quản đồ ăn trong 1 tuần. Nhiệt độ ngăn mát của tủ lạnh nên duy trì ở 4 độ C hoặc thấp hơn, dùng cho bảo quản thực phẩm trong thời gian ngắn khoảng 2-3 ngày cho các loại rau, củ quả. 

Vi khuẩn phát triển nhanh nhất trong khoảng nhiệt độ từ 4-6 độ C, được gọi là “khu vực nguy hiểm”, và có thể tăng gấp đôi số lượng chỉ trong 20 phút. Tủ lạnh đặt ở nhiệt độ 4 độ C hoặc thấp hơn sẽ bảo vệ hầu hết các loại thực phẩm khỏi các chủng vi khuẩn. Thực phẩm được giữ ở nhiệt độ trên 4 độ C trong hơn 2 giờ thì không nên tiếp tục sử dụng.

Hiện nay nhiều gia đình vì quá bận rộn hoặc giữ thói quen không tốt đó là tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh đến cả tháng, điều này là không nên vì trước hết thực phẩm hiện nay rất nhiều và sẵn nên có thể mua và dùng ngay được, trong khi đó nếu bảo quản thực phẩm lâu trong tủ lạnh có thể làm giảm chất lượng, mất độ tươi, ngon. Mặc dù bảo quản trong điều kiện lạnh như vậy nhưng vẫn có những vi sinh vật phát triển gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe khiến người sử dụng tăng nguy cơ mắc bệnh.

Sơ chế sạch trước khi bảo quản

ThS Lưu Liên Hương khuyên, thịt, cá tươi sống khi mua về cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Cần làm sạch trước khi cho những thực phẩm này vào hộp, màng bọc thực phẩm, sau đó buộc kín và cất vào ngăn đá vừa để mùi thịt cá sống không lan sang khắp tủ lạnh, vừa để bảo vệ thịt không bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Khi cần chế biến thì lấy ra rã đông và sử dụng. Sau khi rã đông, thức ăn cần nấu hết. Khi để thịt trong ngăn mát, cần giữ cho nhiệt độ của tủ lạnh ở mức khoảng 2 độ C.  Phải luôn nhớ kiểm tra nhiệt độ thường xuyên để đảm bảo thịt luôn tươi.Thông thường, những phần thịt được giữ lạnh chỉ có thể dùng trong vòng từ 1 đến 4 ngày, nếu bảo quản ở ngăn đá có thể sẽ lưu trữ được lâu hơn, tuỳ thuộc vào nhiệt độ, có thể lên tới 6 tháng tới 1 năm nếu bảo quản ở nhiệt độ rất thấp (-17 độ C).

Nhiều người có thói quen rau củ quả mua về cho ngay vào tủ lạnh bảo quản. Bùn đất, giun sán, vi sinh vật sẽ trú ngụ trong tủ lạnh, lây lan sang các thực phẩm khác. Do đó, rau, củ, quả sau khi mua về, cần nhặt bỏ những phần bị héo úa, rửa sạch, để ráo nước và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Có thể bọc củ quả lại bằng giấy báo hoặc túi nilon để giữ cho thực phẩm không bị mất nước và tươi lâu hơn. Đối với các loại rau, củ, quả như bắp cải, cải thảo, cà chua, cà rốt, khoai tây… sau khi mua về, có thể bảo quản ở nơi thoáng mát, không nhất thiết phải cho vào tủ lạnh. Đối với cách này, không cần phải rửa trước mà chỉ khi nào chế biến mới cần rửa.

“Nguyên tắc của thực phẩm là càng để lâu càng hao hụt dưỡng chất. Do đó, dù thực phẩm chưa hỏng thì dưỡng chất cũng đã mất đi. Hạn chế tối đa bảo quản quá lâu trong tủ lạnh để tận hưởng những thành phần có lợi trong thực phẩm mới là cách tiêu dùng thông minh”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm.

Theo Đời sống
back to top