Phun thuốc trừ sâu vẫn không chết
Trong những ngày qua, nạn châu chấu lưng vàng đã và đang hoành hành, tàn phá lúa, ngô, hoa màu, luồng, tre của người dân xã Mường Chanh, huyện vùng cao, biên giới Mường Lát (Thanh Hóa), gây thiệt hại nặng nề. Theo người dân địa phương, tại các bản Chai, Cang, Bóng, châu chấu lưng vàng xuất hiện dày đặc, cắn phá các loại cây trồng. Hơn chục hecta lúa chiêm xuân chưa đến kỳ thu hoạch đã và đang bị châu chấu lưng vàng cắn phá. Bà con đã dùng thuốc trừ sâu phun vào cây trồng để diệt châu chấu lưng vàng nhưng không hết. Người dân còn dùng lưới, vải màn, thắp đèn ban đêm để bắt châu chấu nhưng chưa có hiệu quả.
Trước đó vào đầu tháng 3/2020, Theo nhận định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Trung Quốc, dịch châu chấu sa mạc có thể xâm nhập vào Việt Nam khoảng tháng 6, do nền nhiệt độ cao và hướng gió phù hợp. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cảnh báo trong thời gian tới có khả năng đàn châu chấu tại khu vực này có thể di cư đến các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc) qua bán đảo Đông Nam Á, tương tự con đường sâu keo mùa thu đã xuất hiện và gây hại năm 2019.
TS Nguyễn Văn Liêm, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho hay, dịch châu chấu sa mạc nguy hiểm ở chỗ khi điều kiện thức ăn khan hiếm, chúng sẽ tạo thành một tập tính tập trung thành các đàn lớn để di chuyển, có thể bay xa 150km/ngày và bay ở độ cao dưới 2.000m so với mực nước biển. Do đó, dịch châu chấu sa mạc là mối đe dọa rất lớn cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều nước thuộc châu Phi, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á.
Châu chấu ăn sạch lá, mầm cây
GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam cho hay, theo FAO, dịch châu chấu sa mạc bắt nguồn từ tháng 5/2019 ở khu vực các nước Trung Đông, sau đó bùng phát và lan rộng ra các nước châu Phi và Tây Á, Nam Á. Châu chấu sa mạc là một trong những loài sâu hại di cư có sức tàn phá thực vật lớn nhất, nguy hiểm nhất. Chúng là loài sâu hại đa thực, ăn bất kỳ loại cây xanh nào mà chúng bắt gặp như cây trồng, đồng cỏ, cỏ khô và ăn tất cả các bộ phận trên mặt đất của cây như chồi non, hoa, lá, hạt, vỏ cây, thân cây. Chúng đi đến đâu, reo rắc cái chết của thảm thực vật đến đấy. Toàn bộ cây cối sẽ xơ xác, trơ lại thân cành chỉ sau một đêm châu chấu hoạt động.
Mỗi con châu chấu sa mạc trưởng thành tiêu thụ bình quân 200mg chất xanh/ngày. Trong khi đó, mật độ phân bố một đàn có thể lên tới 150 triệu con/km2, ước tính một đàn 1km2 có thể tiêu thụ lượng thức ăn 1 ngày tương đương lượng thức ăn của 35.000 người. Một trong những đặc điểm đáng sợ của châu chấu sa mạc là khả năng tạo đàn cực lớn, diện tích đàn tính theo kilômet vuông, tổng đàn lên tới cả trăm tỉ con và di cư rất xa. Theo GS Bùi Công Hiển, thường khu vực có độ ẩm cao đễ cho trứng phát triển, nên sinh đàn nhanh và đông. Ở Việt Nam, mấy năm gần đây dịch châu chấu voi từ Lào sang vùng Tây Bắc nước ta và quanh quẩn ở miền Nam Trung Quốc. Đầu tiên chúng ăn và phát triển ở những khu rừng tre nứa. Khi hết thức ăn chúng chuyển xuống các ruộng, nương ngô, lúa. Thậm chí không có thức ăn tươi, chúng tàn phá cả mái tranh, nhà cửa...
Năm 2018, châu chấu tre lưng vàng phát sinh và gây hại hơn 2.000ha cây trồng, chủ yếu hại cây lâm nghiệp (tre, luồng, vầu). Còn theo Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), đã ghi nhận một vài đợt dịch châu chấu ở Nghệ An năm 1978; Phú Thọ 2008 - 2012 và gần đây nhất là ở miền núi phía Bắc.
"Biện pháp phòng chống hiện nay theo chỉ đạo của Cục bảo vệ thực vật là phổ biến cho người dân vùng có dịch và cán bộ chuyên môn ở cơ sở, điều tra, phát hiện những nơi châu chấu tập trung và đẻ trứng, khoanh vùng, diệt trứng và thiếu trùng (con non chưa có cánh) để giảm thiểu sự tăng trưởng quần thể, hạn chế dùng thuốc trừ sâu".
GS Bùi Công Hiển