Mưa lụt lịch sử nhiều nơi: Nhân tai hay thiên tai?

(khoahocdoisong.vn) - Mưa lớn ở Tây Nguyên và Nam Bộ, đặc biệt mưa lũ gây ngập lụt chưa từng có ở Phú Quốc (Kiên Giang) là hiện tượng thời tiết dị thường. Lượng mưa tại Phú Quốc ghi nhận được cao gấp 7 lần trung bình và gần bằng một nửa lượng mưa của cả năm.

Dữ liệu mưa lớn nhất trong lịch sử quan trắc

Lũ lụt ở Phú Quốc, mưa lớn ở Tây Nguyên và Nam Bộ là những hiện tượng thời tiết dị thường. Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khi tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ đầu tháng 8 tới giờ ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ liên tục xuất hiện mưa rào và giông trên diện rộng, đặc biệt từ ngày 5-10/8.  Ở Tây Nguyên đã xuất hiện mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến trong 10 ngày đầu tháng 8 phổ biến từ 150-300mm.  Tại TP Buôn Ma Thuột tổng lượng mưa là 402mm, Đắk Nông là 353mm, Bảo Lộc (Lâm Đồng) lượng mưa là 375mm.  Khu vực Nam Bộ lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 8 cũng lên tới 100-250mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Trại An (Đồng Nai) 437mm, đặc biệt tại Phú Quốc tổng lượng mưa trong 10 ngày đầu tháng 8 là 1167,4mm, vượt tới 7 lần so với trung bình và bằng gần một nửa so với lượng mưa cả năm và đây cũng là số liệu mưa đo được cao nhất trong lịch sử quan trắc từ 1978 đến nay.

Nguyên nhân của những cơn mưa lớn ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ là do gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh. Thời điểm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh cũng trùng với lúc một dải hội tụ nhiệt đới tồn tại ở khu vực biển Đông. Tương tác của gió Tây Nam mạnh và dải hội tụ nhiệt đới khiến cho mưa ở Tây Nguyên và Nam Bộ có lượng lớn và kéo dài.

Cộng hưởng nhiều yếu tố

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm dự báo KTTV quốc gia, năm nay gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh hơn hẳn so với các năm trước cùng thời kỳ. Cộng thêm dải hội tụ nhiệt đới có trục đi qua khu vực Nam Trung Bộ và tồn tại một vùng hội tụ gió ngay trên khu vực Tây Nguyên và phía nam nước Lào.

Thêm vào đó, tại Nam Bán cầu trong những ngày qua liên tiếp có những đợt gió mùa tràn qua nước Úc khiến tuyết rơi dày đặc, bang Victoria phải đưa ra cảnh báo đặc biệt nguy hiểm do gió mạnh và tuyết dày. Gió mùa hoạt động mạnh ở Úc, thổi vượt qua xích đạo làm cho gió mùa Tây Nam ở khu vực Việt Nam, Biển Đông liên tục mạnh, gây mưa to đến rất to trên diện rộng ở Tây Nguyên và Nam Bộ, trong đó có đảo Phú Quốc.

Mưa lớn, ngập lụt là do nhiều hình thái thời tiết gặp nhau, song cũng còn do nhiều nguyên nhân khác như hạ tầng, hệ thống thoát nước, xây dựng... không tính toán hết để ứng phó. Các chuyên gia khí tượng dự báo, đây đã là đỉnh điểm của đợt mưa lớn lần này. Theo dự báo, mùa mưa ở khu vực Nam Bộ năm nay có thể kết thúc sớm hơn, trung bình nhiều năm mùa mưa ở khu vực Nam Bộ sẽ kết thúc vào khoảng 15/10 thì năm nay có thể trong những ngày đầu tháng 10 mùa mưa đã kết thúc. Sau đó vẫn có những đợt mưa ngắn 3 -5 ngày, thậm chí nếu có tác động của xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng, ở Nam Bộ vẫn cần phải đề phòng hiện tượng mưa lớn khi mà mùa mưa được dự báo đã kết thúc.

Ngập lụt ở Tây Nguyên và Nam Bộ gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng

Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, mưa lũ ở các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng đã làm 11 người chết, 5 người bị thương. Ngoài ra, gần 4.000 căn nhà bị ngập nước; 22.218ha lúa, hoa màu bị ngập; 31,55km đường giao thông bị sạt lở; 6 cống và 26 cầu bị hư hỏng... Tổng thiệt hại ước tính là 1.073 tỷ đồng.

Trong khi đó, đợt mưa ngập lịch sử tại đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) đã khiến trên 8.400 căn nhà bị ngập, hàng nghìn người dân phải đi sơ tán, thiệt hại hơn 100 tỷ đồng.

UBND huyện Phú Quốc cho rằng, ngập lụt nặng nề này do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mặt khác, hệ thống thoát nước trong nội ô thị trấn Dương Đông đã được xây dựng 16 năm trước, chỉ phù hợp với mật độ dân cư 10.000 - 12.000 lúc đó. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, người đông, riêng thị trấn Dương Đông đã trên 50.000 dân, kéo theo tình trạng sông rạch, ao hồ tự nhiên bị lấn chiếm, san lấp khiến nước không còn đường thoát - ngập lụt nghiêm trọng hơn.

Nhân tai hay thiên tai?

Liên quan đến tình hình ngập lụt tại Phú Quốc, báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang chỉ ra, tần suất mưa và lượng mưa quá lớn đã gây ra ngập nặng cho hòn đảo này. Đáng chú ý, yếu tố chủ quan được nhấn mạnh trong báo cáo là có những công trình ở Bãi Trường, do xây dựng không đạt tiến độ nên chưa đấu nối hệ thống thoát nước vào hệ thống chung của toàn tuyến. Chính những nơi chậm đấu nối đã gây ngưng chảy, tạo thành những "bụng nước". Những "bụng nước" này lâu ngày không có đường thoát đã tự phá vỡ, gây ảnh hưởng rất lớn. Một yếu tố khác bắt nguồn từ trật tự xây dựng trước đây. Người dân vì lợi ích cá nhân, không nhận thức được tác hại của việc lấn chiếm các dòng suối tự nhiên.

Chịu chung cảnh ngập lụt nghiêm trọng với đảo Ngọc Phú Quốc trong thời gian qua là TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng). Có một hiện trạng khiến các chuyên gia rất ngạc nhiên là tình trạng mưa nhỏ nhưng lũ lại rất lớn tại thành phố này. Đi tìm lời giải đáp cho vấn đề trên, các chuyên gia nhìn nhận Đà Lạt đang gánh hậu quả của nông nghiệp lạm dụng nhà kính, xây dựng nhà cửa mật độ cao. Hai tác nhân này khiến cho hệ số thấm, thoát nước giảm nghiêm trọng. Tình hình ngập lụt ở 2 địa điểm du lịch này (Phú Quốc, Đà Lạt) là hệ quả của quan niệm phi khoa học trong quản lý đô thị.

Bởi Đà Lạt là thành phố cao nguyên lẽ ra không bao giờ ngập, còn Phú Quốc ở sát biển nên nước phải thoát nhanh nhưng lại ngập nặng là điều không logic. Hai thành phố du lịch bị ngập do phát triển đô thị quá tham lam, bê tông hóa bề mặt để tăng diện tích thương mại. Chừng đó chưa đủ, họ còn lấp kênh rạch, sông hồ để kinh doanh mà bỏ qua không gian dành cho nước. Qua sự việc trên các chuyên gia khuyến cáo, đã đến lúc Đà Lạt, Phú Quốc nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung cần có những nghiên cứu, đánh giá toàn diện các yếu tố tác động gây biến đổi cảnh quan, suy giảm hệ số thấm nước, mật độ xây dựng đô thị. Đặc biệt, cả yếu tố lâu nay chúng ta bỏ ngỏ là tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra sự cố ở hai thủy điện

Công trình thủy điện Đắk Kar (xã Hưng Bình và Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp) có dung tích thiết kế 13 triệu m3 nước, đang trong quá trình thi công thì bị kẹt van xả, vỡ đường ống dẫn nước về nhà máy. Để phòng ngừa sự cố vỡ đập, lực lượng chức năng 2 tỉnh Bình Phước và Đắk Nông đã di dời hàng ngàn người dân ở vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Hiện chủ đầu tư thủy điện Đắk Kar đã khắc phục, vận hành lại được van xả.

Tương tự, thủy điện Đắk Sin 1 (nằm trên địa bàn xã Hưng Bình và Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp), đang vận hành thì vỡ ống áp lực dẫn buộc phải xả lũ khẩn cấp. Mưa lũ khu vực Tây Nguyên những ngày qua cũng khiến hàng chục nghìn tấn đất, đá đổ xuống các tuyến đường giao thông vào nhà máy gây cô lập.

Về sự cố đối với hai công trình thủy điện nói trên có nguy cơ gây mất an toàn đối với dân cư vùng hạ du thuộc các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có công văn yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan liên quan tổ chức, kiểm tra công tác quản lý an toàn và vận hành các đập, hồ chứa thủy điện trên; chỉ đạo, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trước ngày 10/9/2019.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và UBND tỉnh Đắk Nông theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chỉ đạo, giám sát chủ các đập, hồ chứa nước khẩn trương khắc phục sự cố, triển khai ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho công trình và dân cư vùng hạ du theo đúng quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018, không cho phép tích nước nếu chưa bảo đảm vận hành an toàn.

Theo Đời sống
back to top