Đáng chú ý, theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay, áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp, di chuyển theo hướng quay trở lại đất liền, từ ngày 25-26/7, mưa lớn sẽ mở rộng ra toàn bộ khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ.
27 người chết vì mưa lũ, 6 sự cố đê điều phát sinh
Theo báo cáo BCĐTW về Phòng chống thiên tai cho biết, số người chết do mưa lũ thống kê được tính đến 7h ngày 24/7 là 27 người, tăng 5 người so với báo cáo ngày 23/7 do đã tìm được thi thể của 5 người mất tích (Yên Bái: 13 người, Sơn La: 6 người, Lào Cai: 1 người, Phú Thọ: 3 người, Hòa Bình: 1 người, Thanh Hóa: 3 người). Ngoài ra, hiện nay vẫn còn 7 người bị mất tích (Yên Bái: 4 người, Phú Thọ: 1 người, Thanh Hóa: 2 người) và 26 người bị thương.
Mưa lũ cũng khiến 243 ngôi nhà bị sập, hơn 12.000 ngôi nhà bị ngập, hư hỏng và di dời khẩn cấp. Trong khi đó, gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi là hơn 120.000 con, diện tích thủy sản bị ảnh hưởng là hơn 6.200ha.
Nước trên sông, suối tại nhiều địa phương dâng cao gây sạt lở, lũ quét, tàn phá nhiều nhà cửa, công trình, cây cối hoa màu của người dân.
Tổng hợp từ các địa phương, hệ thống đê điều đã xảy ra 45 sự cố (tăng 6 sự cố so với Báo cáo số 268/BC-QLĐĐ ngày 23/7 do phát sinh tại TP. Hà Nội, Hưng Yên và Ninh Bình), cụ thể như sau: Tại Hà Nội xuất hiện sự cố sạt mái đê và mất ổn định tường chắn đất tại dốc lên đê hạ lưu đê tả Hồng, xã Đông Dư, huyện Gia Lâm.
Tại Ninh Bình xuất hiện 4 sự cố: Vỡ đê bao Hoa Tiên, đê bao sông Bôi đoạn qua xã Gia Hưng với chiều dài 150m; thẩm lậu đê hữu Đáy tại K5+300 (nước rò trong); sụt lún bể xả, nền nhà máy trạm bơm Kiến Phong, xã Gia Tường và trạm bơm Lạc Sơn, xã Lạc Vân thuộc tuyến đê Đức Long; thẩm lậu mái đê với chiều dài 300m và rò mang cống thuộc tuyến đê bao Bốn Hốt, xã Lạc Vân. Tại Hưng Yên xuất hiện 1 sự cố tại khu vực trạm bơm Liên Nghĩa, xuất hiện 2 vị trí rò nước tại chân mái đê hạ lưu và khu vực tiếp giáp bể xả của cống xả qua đê tại K83+842 đê tả Hồng. Các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa và Nghệ An không phát sinh sự cố mới về đê điều.
Áp thấp nhiệt đới quay lại đất liền gây mưa cho các tỉnh phía Bắc
Theo bản tin lúc 15h30 ngày 24/7 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, vào hồi 13h ngày 24/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 22,0-23,0 độ vĩ Bắc; 108,5-109,5 độ kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km gây mưa vừa, mưa to diện rộng ở Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp từ chiều tối và đêm 24/7, ở khu vực Đông Bắc Bắc Bộ (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang) sẽ có mưa vừa – mưa to kèm gió giật mạnh.
Từ ngày 25-26/7, mưa lớn sẽ mở rộng ra toàn bộ khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ, trọng tâm mưa to trong ngày 25-26/7 tập trung ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu (50-100mm/ngày). Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: cấp 1, riêng ở các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu: cấp 2. Tại khu vực Hà Nội, từ ngày 27/7 có mưa vừa – mưa to và dông. Đáng chú ý, từ ngày 27/7, mưa lớn ở vùng núi và trung du Bắc Bộ có xu hướng mở rộng xuống các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa, có khả năng kéo dài đến đầu tháng 8.
Người dân khắc phục hậu quả do mưa lũ tàn phá.
Dự báo từ ngày 25 – 27/7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng – Thái Bình, sông Kỳ Cùng – Bằng Giang sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên trên các sông như sau: trên thượng lưu sông Đà từ 3 – 6m; thượng lưu sông Thái Bình và sông Thao từ 3 – 5m, hạ lưu sông Thái Bình từ 1 – 2m; thượng lưu sông Lô từ 4 – 6m, hạ lưu sông Lô từ 3 – 5m; sông Kỳ Cùng – Bằng Giang từ 2 – 3m. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã đưa ra cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Theo Nguyễn Ngân (Suckhoedoisong.vn)