Mua hàng trực tuyến cuối năm: Cẩn trọng mắc bẫy “khuyến mại, giảm giá”

Các chuyên gia an ninh mạng dự đoán tội phạm mạng sẽ tiếp tục sử dụng những chiêu trò để lừa đảo người dùng khi mua sắm vào dịp lễ, Tết đang diễn ra.
ty-le-nguoi-viet-mua-sam-online.jpg

Hoạt động mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội... đang bùng nổ dịp cuối năm do hạn chế bởi dịch Covid-19. Nhiều đối tượng đã lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao dịp này để thực hiện các hành vi giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Những chiêu lừa phổ biến

Cuối năm là thời điểm vàng để người tiêu dùng săn khuyến mại, mua hàng giá rẻ, tiết kiệm chi phí cho gia đình sau 1 năm Covid-19 khó khăn. Tuy nhiên, thói quen mua sắm trực tuyến qua mạng và hạn chế tiếp xúc người giao hàng đã làm gia tăng các vụ lừa đảo.

Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) cho biết, theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2021, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam tăng từ 77% (năm 2019) lên 88% trong năm 2020.

Mỗi năm có khoảng từ 1.500 - 2.000 vấn đề khiếu nại, phản ánh từ người tiêu dùng, đa phần liên quan đến hoạt động mua hàng trực tuyến.

Những hành vi lừa đảo nhiều người tiêu dùng khiếu nại, phản ánh gồm: Hàng nhận được không như quảng cáo; người tiêu dùng không mua được hàng theo giá quảng cáo hoặc hàng khuyến mãi đi kèm; bán hàng giả, hàng đã qua sử dụng; hàng không rõ nguồn gốc; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tự động hủy đơn hàng; kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại, thông tin giao dịch người mua bị tiết lộ cho bên thứ ba, lợi dụng để mạo danh giao hàng…

Rất nhiều hành vi giả mạo các trang thương mại điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ví dụ, một khách hàng truy cập vào website: www.vietnamairslines.com chuyển khoản mua vé máy bay.

Sau khi liên hệ với các số điện thoại trên trang web đã mua vé không được, người tiêu dùng mới phát hiện mình đã đặt vé nhầm qua website giả mạo. Trang web có thêm chữ “s” chèn vào giữa từ “airlines” khiến khách hàng bị đánh lừa.

Không chỉ bị lừa khi mua hàng qua Facebook, Zalo, mua hàng trên các sàn thương mại điện tử chính thống cũng có lúc “ấm ức” vì hàng được giao là hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng, hàng lỗi, rách... Khi liên hệ đổi lại không được tiếp nhận, hoặc tiếp nhận nhưng mãi không giải quyết, khiến khách hàng nản tự thôi.

Những chiêu lừa bán hàng phổ biến hiện nay là yêu cầu người mua chuyển tiền trước, người bán giao hàng kém chất lượng, hàng giả, khách không ưng ý phản hồi thì bị người bán chặn cuộc gọi.

online.jpg

Hãy là người tiêu dùng có kiến thức

Theo chị Trịnh Thu Hương, Giám đốc kinh doanh trang trực tuyến Đi chợ thời Covid, lợi dụng nhu cầu mua sắm cuối năm tăng cao, một số shop online, trang thương mại điện tử đẩy các mặt hàng kém chất lượng, hàng tồn kho lâu ngày, cận hạn sử dụng, “giăng bẫy” khách hàng bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu để bán các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, không đúng như cam kết.

Do vậy, để tránh mắc bẫy “khuyến mại, giảm giá”, người tiêu dùng hãy tìm hiểu kỹ sản phẩm, so sánh giá khuyến mại với các nơi khác bằng công cụ web so sánh giá. Tìm hiểu xem cửa hàng đó có được nhiều người mua không, có bị ai phản ánh tiêu cực không... Cài đặt các công cụ check mã vạch để kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, hàng chính hãng...

Bà Hồ Thị Tố Uyên, Phó trưởng Phòng thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo, để đảm bảo quyền lợi khi mua hàng online, trước khi mua hàng, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về các cửa hàng, các trang thương mại điện tử, cũng như các chính sách bán hàng. Tìm hiểu kỹ điều kiện và điều khoản bảo hành, phương thức trả lại hàng, hoàn tiền, giao nhận sản phẩm... trước khi quyết định mua.

Trước khi mua hàng người mua cần kiểm tra danh tính của người bán (kiểm tra trang web, chi tiết liên hệ để xác minh xem nó có thực sự tồn tại hay không). Hầu hết các trang thương mại điện tử lớn đều có các mục cho phép phản hồi, nhận xét về cửa hàng, sản phẩm. Người mua cần đọc kỹ nhận xét của các khách hàng về người bán để chọn địa chỉ giao dịch uy tín, tin cậy.

Trao đổi kỹ trước với người bán, yêu cầu gửi ảnh chụp, video thực tế về sản phẩm, kích cỡ, chất liệu… Khi nhận hàng, nên mở hàng kiểm tra kỹ với sự chứng kiến của người giao hàng trước khi thanh toán. Trong trường hợp có bất thường, cần quay video, chụp hình để làm chứng cứ.

Cũng theo bà Hồ Thị Tố Uyên, Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử. Ngoài việc áp dụng quy định chặt chẽ hơn với các sàn thương mại, Nghị định 85 đưa các hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… vào diện quản lý sẽ giúp hạn chế bớt tình trạng lừa đảo người mua.

Kỹ sư Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm An toàn An ninh Bách khoa khuyến cáo, các hành vi lừa đảo trên môi trường thương mại điện tử ngày càng trở nên tinh vi và có chủ đích. Tội phạm mạng thường xuyên sử dụng các tin nhắn, cuộc gọi, email có mã độc để lừa đảo người mua hàng nhằm lấy những thông tin cá nhân quan trọng như số tài khoản, OTP, mật khẩu, số điện thoại, địa chỉ, hình ảnh, clip...

Để mua sắm trực tuyến an toàn, các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, người tiêu dùng nên tạo một địa chỉ email riêng, dùng trên một máy tính hoặc iPad riêng chuyên chỉ sử dụng cho các giao dịch ngân hàng và việc mua sắm trực tuyến. Bằng cách này, người tiêu dùng có thể tránh những tin rác quảng cáo, email chứa mã độc ngụy trang bán hàng hack mật khẩu, cướp facebook hay ăn cắp thông tin công việc nhằm tống tiền, lừa đảo. Chú ý sử dụng mật khẩu mạnh và sử dụng các mật khẩu khác nhau cho mỗi tài khoản trực tuyến để hoạt động mua sắm trực tuyến được an toàn hơn.

Người tiêu dùng nên trình báo với cơ quan công an quận/huyện nơi sinh sống khi xảy ra hiện tượng lừa đảo để loại bỏ những người bán không đủ uy tín. Theo Bộ luật Hình sự 2015, điều 174, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Luật sư Nguyễn Thúy Nga (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Theo VietnamDaily
Khách hàng cũng sẽ được thử tay lái với mẫu xe ô tô điện thông minh đầu tiên của Việt Nam – VinFast VF e34.

Vinhomes và VinFast tổ chức sự kiện trải nghiệm bộ đôi “Nhà xanh - Xe điện” tại Hà Nội và TPHCM

Nhằm tri ân cư dân và khách hàng, đồng thời mong muốn lan toả mạnh mẽ xu hướng sống xanh và thông minh, Vinhomes sẽ phối hợp với VinFast tổ chức sự kiện “Nhà xanh xe điện – Mở lối tương lai” tại hai đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm) và Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm) trong hai ngày 23, 24/7 và Vinhomes Grand Park (TPHCM) trong hai ngày 30, 31/7. Khách hàng tham dự sự kiện sẽ được mục sở thị và lái thử bộ đôi ô tô điện thông minh VinFast VF 8 và VinFast e34.
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top