Cả đêm, Trần Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) và bạn đồng nghiệp thức trắng ôm điện thoại chốt đơn săn hàng giảm giá. Họ hí hửng, cười nói, trao đổi vì mua được nhiều món hàng mình thích với giá "giảm 70%", "tiết kiệm 300.000 đồng", "chỉ còn vài sản phẩm"...
Thảo vui vì trong ngày hội săn sale cô mua được bộ váy hàng hiệu mình thích với giá 199.000 đồng, trong khi giá gốc là 1,8 triệu đồng. Cô liên tục "chốt đơn" nhiều bộ đồ, mỹ phẩm, giày dép công sở giá hời. Toàn đồ sale rẻ mà sao tổng giá trị sơ sơ cũng gần 9 triệu đồng, mất đứt tháng lương. Đáng buồn hơn khi nhận hàng, có nhiều món không được như ý, hàng đã qua trưng bày, một số sản phẩm chất lượng thực sự thất vọng.
Không chỉ Thảo mà bạn của cô và nhiều người có cảm xúc tương tự sau khi lao vào điên cuồng mua sắm đợt giảm giá. Cái cảm giác sung sướng khi săn được hàng giá siêu rẻ vui bao nhiêu thì tâm trạng lúc nhận đồ hụt hẫng, không biết phải làm gì với gói hàng khiến họ xót tiền, buồn bã bấy nhiêu.
Đặc biệt, một số đồ siêu giảm giá nên người bán yêu cầu phải chuyển khoản trước mới được hưởng giá tốt. Tuy nhiên, khi nhận hàng, mẫu mã, chất lượng kém một trời một vực so với quảng cáo khiến nhiều người vô cùng khó chịu, bực tức.
Liên hệ với cửa hàng để trả lại thì không thấy phản hồi. Chưa kể việc nhầm lẫn đơn hàng, sản phẩm mình cần đặt không thấy lại giao thành 2 hộp khẩu trang. Kiến nghị thì cửa hàng cho biết phải chờ tìm được khách nào nhầm lẫn, lấy được hàng về đổi lại, chắc cũng mất nhiều thời gian và khó hy vọng...
Cái cảm giác săn được hàng giảm giá nhanh chóng khiến Thảo cảm giác mua bực vào người. Từ giờ đến cuối tháng cô phải chắt bóp chi tiêu vì đã nướng toàn bộ số tiền vào váy áo, giầy dép, mỹ phẩm...
Cô bảo bạn những đợt sale tới nhất quyết không mua gì nữa. Tuy nhiên, không chắc lúc đó có đủ lý trí, tỉnh táo vì phụ nữ đều có cơn nghiện mua sắm như nhau, ít ai kiểm soát được. Đó là một thú vui, giải tỏa stress.