Một nghiên cứu thực hiện tại Trường Đại học Y Stanford (Mỹ) cho thấy ăn thực phẩm lên men trong 10 tuần giúp cải thiện sự đa dạng của vi khuẩn trong đường ruột. Điều này giúp hệ vi sinh vật trở nên khỏe mạnh hơn và cải thiện phản ứng miễn dịch. Súp miso có chứa chủng nấm Aspergillus oryzae, có nhiệm vụ làm giảm nguy cơ mắc bệnh viêm ruột, các vấn đề khác với hệ tiêu hóa. Vì vậy, ăn súp miso có thể cải thiện tiêu hóa, giảm đầy hơi, trướng bụng, táo bón, tiêu chảy.
Phụ nữ Nhật rất chú trọng ăn súp miso. Theo chuyên gia dinh dưỡng, lượng isoflavone trong đậu nành lên men có thể hỗ trợ làm giảm các cơn bốc hỏa ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh. Ngoài ra, hoạt chất này cũng có cải thiện sức khỏe động mạch ở những phụ nữ này.
Tiêu thụ thực phẩm lên men như súp miso cũng có thể hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh vì đây là nguồn thực phẩm rất giàu probiotic. Theo các nhà khoa học, quá trình lên men vi khuẩn probiotic trong cơ thể sẽ tạo ra sản phẩm phụ được gọi là postbiotics. Hợp chất hoạt tính sinh học này là chất thải của vi khuẩn probiotic nhưng lại có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng như cảm lạnh thông thường, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp.
Súp miso bổ nhưng chỉ nên ăn vừa phải để hạn chế muối. Những người có vấn đề về tuyến giáp và người bị dị ứng với protein trong đậu nành nên tránh tiêu thụ miso, thực phẩm lên men từ đậu nành khác. Ngoài ra, trường hợp có tiền sử mắc bệnh celiac sẽ cần kiểm tra nhãn bao bì để đảm bảo sản phẩm miso phù hợp với họ và được làm từ các thành phần không chứa gluten.