Thiếu máu do thiếu sắt là tình trạng giảm lượng hemoglobin trong máu. Bệnh gây ra những ảnh hưởng tới chức năng tâm thần, trí nhớ ở tuổi thiếu niên, cũng như mệt mỏi và giảm khả năng làm việc ở người lớn. Người bệnh thiếu máu thiếu sắt thường biểu hiện những triệu chứng như mất ngủ, mệt mỏi, giảm tập trung, giảm chú ý và dễ bị kích thích. Trường hợp thiếu máu thiếu sắt nặng và kéo dài sẽ dẫn tới hiện tượng thiếu oxy trong máu có thể làm tổn thương các cơ quan của cơ thể như tim, não...
Đối với người lớn, chế độ dinh dưỡng bổ sung sắt cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo cân đối và đủ nhu cầu các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo đó, chế độ dinh dưỡng cần cân đối giữa protein động vật và protein thực vật. Bên cạnh đó, việc bổ sung thực phẩm chứa sắt phải đảm bảo theo nhu cầu và khuyến nghị về tuổi, giới của người bệnh. Những thực phẩm tốt bổ sung sắt cho người bệnh gồm:
Thịt: Các loại thịt đỏ chứa nhiều sắt như thịt bò, thịt bê, thịt lợn, gà tây, gan, tiết... Số lượng cần sử dụng trong khoảng 45 - 60g protein tương ứng với 200 - 300g thịt/ngày.
Hải sản: Nhóm hải sản như cá thu, cá hồi, sò, ốc, hàu... cần đảm bảo ăn 2 - 3 bữa/tuần.
Trứng: Là một loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, glucid... đặc biệt là trong lòng đỏ trứng có chứa rất nhiều sắt, kẽm, canxi và vitamin A... Người bệnh nên ăn 2 - 3 quả trứng/tuần.
Rau màu xanh đậm: Bao gồm họ rau cải như rau cải chân vịt, súp lơ, cải xoong... Mỗi ngày, người bệnh thiếu máu thiếu sắt cần sử dụng từ 300 - 400g tương ứng với một bát con rau/bữa.
Đậu đỗ và các loại hạt: Đậu tương, đậu hà lan, lạc, hạnh nhân, hạt điều...
Hoa quả chín: Người bị thiếu máu do thiếu sắt nên sử dụng 100 – 200g hoa quả chín/ngày. Các loại quả như nho, việt quất, lựu, cherry, dâu tây cũng rất tốt cho người thiếu máu thiếu sắt vì không chỉ bổ sung sắt mà còn chứa nhiều vitamin C giúp cải thiện lưu lượng máu và tăng cường hấp thu sắt.
Ngoài ra, có thể ăn một số món ăn như cháo rau chân vịt: Rau chân vịt tươi cả rễ (100 – 150g) rửa sạch, chần qua nấu với 100g gạo tẻ thành cháo, hàng ngày ăn vào bữa sáng, tối.
Hoặc ăn tiết vịt hấp, canh táo mộc nhĩ đen, Cháo hạt sen long nhãn...
Lưu ý: người bệnh thiếu máu thiếu sắt cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm làm ức chế khả năng hấp thu sắt như trà, cà phê...
Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam)