Gà tần thuốc Bắc – món ăn bồi bổ mạnh gân cốt.
Dùng các món ăn kiện tỳ, bổ thận
Thầy thuốc ưu tú Lê Hữu Tuấn, nguyên Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, với triệu chứng bệnh lý đau nhức mỏi sâu trong xương, Y học cổ truyền cho là do thận hư, thuộc phạm vi chứng “cốt nuy”, Y học hiện đại gọi là bệnh loãng xương. Chứng bệnh thường gặp ở người cao tuổi là loãng xương, nhược cơ, mệt mỏi, đau nhức gân cốt… Người bệnh khó khăn khi hoạt động thể lực mạnh, đi lại thận trọng tránh ngã, vấp, khuỵu, gập chân, tay, vì gân cốt yếu, xương giòn, rất dễ gãy.
Y học cổ truyền thường dùng các món ăn bài thuốc có tác dụng bổ thận, kiện tỳ, làm mạnh gân cốt cho người cao tuổi. Ở những người trẻ bị mắc các bệnh thuộc hệ xương khớp, thường xuyên phải chịu những cơn đau nhức thì bên cạnh việc điều trị, chế độ dinh dưỡng cũng là rất cần thiết cho việc hồi phục sức khỏe.
TTUT Lê Hữu Tuấn cũng cho hay, xưa nay y học cổ truyền vẫn tùy theo chứng bệnh, thể trạng từng người mà dùng món ăn bài thuốc phù hợp. Đỗ trọng hầm đuôi lợn được xem như một vị thuốc quý, có tác dụng bỏ thận, bồi gân cốt, chữa được các bệnh đau lưng, đau mỏi gối, loãng xương và nhiều chứng bệnh về xương khớp khá hữu hiệu.
Gà tiềm thuốc bắc, hạt dẻ hầm xương và đuôi lợn, ba kích nấu xương bò, thịt dê nấu nhục thung nhung… là những bài thuốc ích tỳ, bổ thận, giúp mạnh gân cốt, trị chứng đái dầm, hay tiểu đêm và xuất tinh sớm cho cánh mày râu khá hiệu quả.
Món ăn khỏe xương khớp
Ths.BS Nguyễn Thị Tuyết Lan, nguyên Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương khuyến cáo, để đạt được hiệu quả tối ưu từ các món ăn bài thuốc giúp bồi bổ mạnh gân cốt, mỗi tuần chỉ nên ăn những món này tối đa 2 lần, vừa để không bị ngán, có thể duy trì lâu dài, vừa để cân đối dinh dưỡng. Bất cứ món ăn nào, dinh dưỡng nào cũng cần vừa đủ, sử dụng quá nhiều sẽ không tốt.
Cũng theo vị chuyên gia này, gà hầm thuốc bắc là món ăn bổ dưỡng, không chỉ có tác dụng chữa bệnh, hỗ trợ điều trị chứng đau lưng, đau nhức xương khớp mà còn được dùng trong tẩm bổ, giúp hồi phục sức khỏe, mạnh gây cốt. 10 quả táo tàu, 10g long nhãn, 10g kỷ tử, 5g tam thất, thịt một con gà trống đen hoặc gà non tơ. Cách nấu: gà làm sạch, bỏ ruột, tam thất thái nhỏ, sau đó cho các nguyên liệu còn lại trộn đều với chút muối, gừng tươi thái chỉ rồi nhồi vào bụng gà, đem đi hấp cách thủy.
Xương bò rất giàu giá trị dinh dưỡng, đặc biệt là canxi, có tác dụng cường gân cốt, bổ thận tráng dương. Ba kích mang đến công dụng bổ thận, kiện gân cốt. Món ba kích nấu xương bò thích hợp dùng cho nam giới mắc chứng liệt dương, di tinh, người bị mất sức, tinh thần mệt mỏi. 500g xương bò, 30g ba kích, nước dùng vừa đủ. Xương bò sau khi rửa sạch, luộc qua nước sôi, để ráo sau đó cho vào nồi nước dùng cùng ba kích hầm liên tục trong 3 giờ là dùng được.
Nếu người già lưng đau gối mỏi, móng tay và móng chân khô giòn, hay bị chuột rút, thể trạng gầy yếu, hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm, nghe kém, tai ù thì hàng ngày có thể nấu các món đơn giản canh tôm hẹ, cháo kỷ tử, cháo chim sẻ kỷ tử… Đơn giản nhất là dùng tang thầm 30g, kỷ tử 30g, gạo tẻ 80g đem nấu thành cháo, thêm đường phèn, chia ăn vài lần trong ngày. Có thể đổi bữa với canh tôm hẹ. Tôm nõn 50g, trứng gà 1 quả, rau hẹ 200g, dầu thực vật và gia vị vừa đủ. Tôm rửa sạch, rau hẹ cắt đoạn, phi thơm hành mỡ rồi cho rau hẹ và tôm vào xào to lửa, khi gần chín, đập trứng vào đảo đều một lát là được, dùng làm thức ăn hằng ngày.
Thịt dê nấu nhục thung nhung cũng là một bài thuốc bổ gân cốt được nhắc đến nhiều trong y học cổ truyền. Nguyên liệu gồm: 200g thịt dê, 500g xương dê, 20g ba kích, gừng tươi. Xương dê sau khi rửa sạch chặt thành từng khúc nhỏ, thịt dê thái miếng dày, tất cả luộc qua nước sôi rồi vớt ra vào một cái nồi khác, thêm các vị thuốc trên vào và hầm đến khi chín nhừ, nêm gia vị vừa ăn là dùng được. Món này có tác dụng kiện gân cốt, người có thân thể yếu, bị liệt dương hay đại tiện táo… nên dùng.
Đức Vinh