Bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho biết các nghiên cứu chỉ ra rằng đến 99,7% nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV. Trong đó hai chủng 16 và 18 là thủ phạm gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. Khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời, tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra ở độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%.
Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm trên thế giới hiện có trên 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Khoảng 80% phụ nữ có nguy cơ nhiễm virus HPV ít nhất một lần trong đời. Ảnh: Everydayhealth
Phó giáo sư Cao Hữu Nghĩa, Trưởng Khoa Xét nghiệm Lâm sàng, Viện Pasteur TPHCM cho biết ung thư cổ tử cung gây tổn thương lớn đến tử cung. Bệnh diễn tiến âm thầm và kéo dài 5-20 năm. Triệu chứng thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác.
Nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung, tước đi quyền làm mẹ của người phụ nữ. Bệnh gây tử vong khi ở giai đoạn cuối. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm văcxin ngừa virus HPV.
Tại Việt Nam văcxin ngừa virus HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng vào năm 2008. Đến nay đã có hơn một triệu liều văcxin được sử dụng trong 10 năm qua. Thống kê của WHO, 270 triệu liều văcxin ngừa virus HPV đã được sử dụng trên 120 nước.
Văcxin ngừa virus HPV được khuyến cáo tiêm cho phụ nữ độ tuổi 9-26, tốt nhất là 11 đến 12 tuổi, bất kể đã có quan hệ tình dục hay chưa. Văcxin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên. Liều tiêm được chỉ định ba liều, hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền ung thư và ung thư cổ tử cung gây ra bởi hai chủng HPV 16, 18 cũng như các mụn cóc sinh dục, ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hậu môn…
Theo Lê Phương (Vn Express)