Mở sọ giảm áp cứu bệnh nhân đột quỵ

(khoahocdoisong.vn) - Bằng phương pháp “vô lê giảm áp”, các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Yên Bái đã cứu sống được bệnh nhân (BN) hôn mê do đột quỵ não.

Chậm 1 phút: hàng triệu tế bào não bị chết

Bà Hà Thị K., 59 tuổi, (Văn Chấn, Yên Bái) nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu không biết gì. Chụp cắt lớp dựng hình cho thấy BN bị tắc động mạch cảnh trong não giữa bên phải do đột quỵ. Do BN đến viện muộn (giờ thứ 8 đột quỵ) không còn khả năng dùng thuốc tiêu sợi huyết, động mạch tắc phù nề chèn ép vào các tế bào não lành, nguy cơ tử vong cận kề.

Với phương châm “còn nước còn tát”, “tất cả vì sự sống của người bệnh”, chỉ còn cách mở sọ giảm áp cấp cứu thì may ra mới có cơ hội sống sót. Các bác sĩ đã quyết định mổ vô lê giảm áp lấy một mảnh xương sọ đưa xuống bụng, giải phóng chèn ép cho não. Sau phẫu thuật 12 ngày, BN K. đã hồi tỉnh.

BS CKI Nguyễn Văn Chúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức - chống độc, Bệnh viện Đa khoa Yên Bái cho biết, đây là ca đột quỵ nặng thứ 10 được bệnh viện áp dụng phương pháp vô lê giảm áp kết hợp với hồi sức tích cực cứu sống.

Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não là hiện tượng do mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc chảy máu bên trong sọ dẫn đến giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não. Chính vì vậy, BN có thể bị liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, trí nhớ, hôn mê và có khả năng tử vong.

Hậu quả của tai biến mạch máu não dẫn đến tử vong 9,5% trong tổng số tử vong chung và đứng hàng thứ 2 gây tử vong sau ung thư, cao hơn cả tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim. Đột quỵ là một cấp cứu y tế khẩn cấp để ngăn chặn hoặc phục hồi các mô não bị tổn thương cấp và ngăn chặn các tổn thương thần kinh sau đột quỵ, tức là tránh tàn phế mà không tăng tỷ lệ tử vong.

 Để cứu BN đột quỵ não là chạy đua với thời gian các bác sĩ và người nhà BN. Với đột quỵ, cần luôn luôn ghi nhớ: thời gian là não (các nơ-ron thần kinh trong bộ não của chúng ta quý giá như thế nào thì thời gian lúc này quý như thế). Bởi mỗi phút qua đi là hàng triệu tế bào não của BN bị chết hoặc đe dọa sự sống do thiếu oxy. Thời gian điều trị có hiệu quả đối với BN đột quỵ trong 6 giờ đồng hồ đầu tiên sau đột quỵ, tuy nhiên kết quả sẽ giảm dần từ giờ thứ 1 đến giờ thứ 6.

Trong 1 - 3 giờ đầu: BN phục hồi trở về với cuộc sống bình thường đạt tỷ lệ cao; từ 4 - 6 giờ: BN được cứu sống nhưng để lại di chứng nặng: liệt, khó nói, khó nuốt, đau đớn, không tự vận động được…. Còn từ 6 - 8 giờ: tỷ lệ rất nhỏ có cơ hội sống. Trên thực tế, không phải người dân nào cũng nhận thức đầy đủ biểu hiện của đột quỵ, chính vì vậy, sự chậm trễ trong cấp cứu đã khiến nhiều BN bỏ lỡ cơ hội sống, hoặc để lại di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe đời sống.

Tế bào não chết tự tiêu

BSCKI Nguyễn Văn Chúc cho biết, trong điều trị đột quỵ nhồi máu não ở giai đoạn đầu có thể dùng phương pháp tái thông mạch não là dùng thuốc tiêu sợi huyết và dùng dụng cụ cơ học lấy huyết khối ra khỏi lòng mạch.

Giảm áp vô lê là phương pháp phẫu thuật được áp dụng cho những trường hợp bị tai biến với tình trạng chảy máu trong não rất nhiều làm tăng nhanh áp lực bên trong hộp sọ.

Theo BSCKI Nguyễn Văn Chúc, sau một tai biến mạch máu não nặng, một phần hộp sọ ở bán cầu não bị tổn thương nên được mở càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ đầu tiên. Bởi những BN có tai biến mạch máu não ảnh hưởng đến một diện não tương đối lớn thường có tiên lượng cực kỳ đen tối.

Sự tắc nghẽn của một mạch máu nuôi dưỡng chính trong não là động mạc não giữa thường gây tử vong đến 80% mặc dù BN được điều trị hồi sức nội khoa tích cực. Nhu mô não không được tưới máu sẽ bị chết và cùng với nó là vùng não kế cận cũng phù nề dữ dội làm tăng nhanh áp lực nội sọ.

Phẫu thuật  mở hộp sọ với đường kình 10x12 cm đưa xuống nuôi cấy dưới vùng da bụng, khâu da đầu để giải phóng não giúp chỗ não tắc phù nề “phình ra ngoài” không chèn ép vào não lành, làm giảm áp lực cho não. Khoảng 3 tháng sau, khi tình hình BN ổn định, các bác sĩ lại ghép lại mảnh xương sọ đã lấy ra. Điều này giúp cho các tế bào não bị chết sẽ tự tiêu đi mà không gây ảnh hưởng tới tế bào lành.

Nghiên cứu cho thấy, trong số này những BN được phẫu thuật mở hộp sọ bán phần có tỉ lệ sống 78% trong khi đó nhóm không được phẫu thuật có tỉ lệ sống chỉ là 29%. Cả hai nhóm điều được điều trị hồi sức nội khoa tích cực như nhau.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top